Trong 2 ngày, Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa đã có buổi làm việc với lãnh đạo cùng các ban ngành huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Hội nghị đã được nghe lãnh đạo 2 huyện Chiêm Hóa và huyện Cao Phong báo cáo về một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, về sản xuất nông, lâm nghiệp giữa hai địa phương, đặc biệt là những thông tin trong sản xuất mô hình trồng cam, một trong những cây có thế mạnh phát triển của 2 địa phương. Lãnh đạo các ban, ngành Nông nghiệp, Trạm khuyến nông, các chủ trang trại tham gia cùng Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa đã được nghe và trao đổi trực tiếp với huyện Cao Phong về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cam, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, thâm canh cao đối với cây cam; cách thức thực hiện các mô hình liên doanh, liên kết giữa Hợp tác xã, Doanh nghiệp với người dân. Tiếp đó, Đoàn công tác huyện huyện Chiêm Hóa đã đến thăm một số mô hình trồng cây cam tiêu biểu, có diện tích lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vào thời điểm cuối năm, đây cũng là lúc các hộ gia đình trồng cam ở Cao Phong tập trung thu hoạch cam. Đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ các hộ nông dân trồng cam chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ cách trồng, khoảng cách giữa các cây, cách bón phân để cây cam phát triển tốt, đạt năng suất sản lượng cao nhất.
Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa làm việc tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 15 km, Cao Phong được biết đến là có nhiều tỷ phú vươn lên làm giàu từ trồng cây cam. Thương hiệu cam Cao Phong được người tiêu dùng cả nước biết đến nhờ sản xuất theo quy trình VietGap sản xuất cam sạch. Năm 2014, cam Cao Phong đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn và bảo hộ địa lý, đây là một trong những điều kiện có yếu tố quan trọng, giúp cây cam ở Cao Phong có vị trí và ngày càng phát triển. Hiện nay, Cao Phong có diện tích trên 2.000 ha trồng cam, quýt với các loại giống cam chính như cam V2 dòng chín muộn, cam CS1, cam canh, cam xã đoài, quýt ôn châu, chanh đào. 5 năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam nhanh chóng cho hiệu quả, năng suất chất lượng cao. Năm 2010, diện tích cam, quýt có 557 ha sản lượng thu hoạch đạt trên 9.000 tấn đến năm 2016 Cao Phong mở rộng diện tích lên đến 2.000ha, tổng sản lượng ước đạt trên 23.000 tấn, bình quân giá bán tại vườn từ 30 – 35 nghìn đồng/kg, 1ha cam giúp các hộ nông dân có thu nhập từ 600 – 800 triệu đồng.
Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa thăm quan một số hộ trồng cam tại huyện Cao Phong, Hòa Bình.
Huyện Chiêm Hóa hiện có diện tích cam trên gần 500ha, việc thăm quan, đánh giá mô hình cam tại huyện Cao Phong sẽ giúp các hộ gia đình có trang trại, người nông dân ở huyện Chiêm Hóa có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện đồng bộ từ khâu giống, quy trình chăm sóc, bón phân, kỹ thuật bảo vệ thực vật, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, từ đó góp phần đưa cây cam trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn trong sản xuất hành hóa tập trung của huyện Chiêm Hóa, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời giúp người nông dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh phát triển cây cam theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả kinh tế cho người trồng cam.
Gửi phản hồi