Để hỗ trợ người vay vốn giảm thiểu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dập dịch, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Đồng thời, các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn có dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định.
Trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn của bà Nguyễn Thị Thái ở thôn Vĩnh Bảo xã Vinh Quang nay đã tiêu điều vì dịch tả lợn châu Phi.
Ông Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: Là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến nay số lợn tại địa phương phải tiêu huỷ là 430 con, tổng trọng lượng tiêu huỷ trên 20 tấn. Có thể nói, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi không thể kể xiết. Từ đàn lợn gần 7.000 con, sau dịch tả lợn châu Phi, xã chỉ còn khoảng 2.000, chiếm tỷ lệ 28,5% tổng đàn lợn trước đây (do một phần bị tiêu hủy do dịch bệnh, một phần không bị mắc dịch bệnh các hộ chăn nuôi đã chủ động bán cho thương lái), tổng dư nợ cho vay chăn nuôi trên địa bàn xã là trên 50 tỷ, trong đó của Ngân hàng chính sách trên 10 tỷ, còn lại là vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Do vậy, ngoài cơ chế hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh, huyện và các cấp, ngành, người chăn nuôi lợn cần nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn để duy trì, khôi phục sản xuất đảm bảo ổn định kinh tế địa phương sau dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, xã đang vận động tuyên truyền các hộ chăn nuôi tiếp tục duy trì việc thường xuyên phải vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi; đồng thời động viên, hướng dẫn bà con chuyển đổi sang các đối tượng nuôi khác như: gà, ngan, vịt, trâu, bò vỗ béo, nuôi cá để tạo nguồn thu nhập trước mắt, khắc phục tình trạng “trống chuồng, trống con nuôi”. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi chăn nuôi cho người chăn nuôi đảm bảo thành công rất cần có sự vào cuộc của ngành chức năng và sự tham gia tích cực, chủ động của người chăn nuôi. Có cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tạo chuỗi liên kết, hợp tác giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp trong việc cung cấp con giống, nguồn thức ăn và tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình bà Thái đang chuyển đổi sang hướng chăn nuôi gà thương phẩm.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi nhánh Agribank Chiêm Hóa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn, đồng thời tiến hành thống kê, rà soát, phân loại dư nợ vay của khách hàng là hộ có lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua rà soát của cán bộ tín dụng trên địa bàn hiện có khách hàng là bà Nguyễn Thị Thái ở thôn Vĩnh Bảo xã Vinh Quang bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi khá lớn. Theo đó, đàn lợn của bà Thái đã bị tiêu hủy 166 con vào tháng 5/2019, tổng dư nợ vay của gia đình bà Thái cho đến thời điểm này là 400 triệu đồng, Chi nhánh Agribank Chiêm Hóa đã gia hạn nợ cho bà Thái, nhờ đó mà gia đình bà Thái yên tâm chuyển đổi hướng chăn nuôi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thái cho hay: 20 năm chăn nuôi lợn, chưa bao giờ gia đình bà lâm phải tình trạng cam go như năm nay. Trang trại chăn nuôi của gia đình bà là một trong những trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất huyện và cũng là nơi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện bệnh tả lợn châu Phi. Từ một trang trại với gần 400 con lợn, gồm cả lợn đực giống, nái sinh sản, mỗi ngày cần đến 4 lao động, mỗi tháng tiẻu thụ trên 12 tấn cám công nghiệp, năm 2018 xuất chuồng 60 tấn lợn hơi, thu lãi trên 300 triệu đồng... giờ tiêu điều, vắng lặng, chờ ngày công bố hết dịch và chờ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước gia đình sẽ phục sản xuất tiếp tục tái đàn. Còn trước mắt, gia đình bà đang tập trung chuyển đổi hướng sang chăn nuôi gà thương phẩm, vừa qua gia đình bà đã phải bán 1 ha keo để lấy vốn đẩu tư mua 700 con gà về nuôi, dự tính trong thời gian thới sẽ tăng đàn gà lên 3.000 con.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hỗ trợ từ phía Ngân hàng, người chăn nuôi cũng cần chú trọng thực hiện “5 không” trong chống dịch; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường vệ sinh khử trùng tiêu độc, chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển, giết mổ, buôn bán trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo vệ sản xuất, như vậy sẽ giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện giảm bớt khó khăn./.
Gửi phản hồi