Đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình (Yên Sơn). |
Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, với 65%, cũng là một trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng toàn vùng. Bình quân mỗi năm, Tuyên Quang trồng mới trên 10 nghìn ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng trồng trong dân. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2018 đạt trên 1.054 tỷ đồng.
Từ những nhiệm kỳ trước, gỗ rừng trồng, mà cụ thể là cây keo đã được coi là đầu tàu trong “tứ đại gia” (nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt) trong nông nghiệp của Hàm Yên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, gỗ rừng trồng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Phát huy lợi thế này, UBND huyện ban hành kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng huyện Hàm Yên, giai đoạn 2016 - 2020. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội, vùng sản xuất gỗ nguyên liệu, gỗ chế biến lâm sản của Hàm Yên hiện có gần 36 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình tuần tra, bảo vệ rừng. |
Từ rừng, Hàm Yên đã xuất hiện những tỷ phú với cơ ngơi lên đến hơn chục ha rừng, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú kể về cơ duyên nhân lên màu xanh của rừng như một lẽ tất nhiên. Ông Hân vốn là công nhân Lâm trường Hàm Yên. Từ những năm 90, khi nhiều người vẫn coi việc trồng rừng là việc của Nhà nước, của các lâm trường, thì ông đã tiên phong trồng 3 ha quế. Khi 3 ha này bán được hơn 200 triệu đồng - một số tiền lớn so với người nông dân thời ấy - ông ham lắm. Hết quế ông chuyển sang trồng keo. Bán được tiền lại mua gom đất rừng. Đến thời điểm này, vườn rừng nhà ông Hân đã lên đến gần 50 ha, trong đó đất trồng rừng khoảng 40 ha, còn lại ông trồng cây ăn quả. Mỗi năm thu nhập từ trang trại của gia đình ông đạt cả tỷ đồng.
Tỷ phú rừng Đinh Văn Dùng, thôn 31, xã Thái Sơn đến với rừng bằng cả niềm đam mê. Từ trang trại 4 ha ban đầu, ông Dùng dồn tiền mua đất trồng rừng khắp Hàm Yên, Yên Sơn. Diện tích rừng của gia đình ông hiện có trên 30 ha. Dưới tán rừng, ông nuôi gà thả vườn, chim bồ câu, lợn đen và cả trâu bò… Nguyên những món “đặc sản” này mỗi năm cũng đã đem lại cho gia đình ông vài trăm triệu đồng.
Với những nông dân chưa có đủ điều kiện kinh tế để tích tụ đất trồng rừng, cơ chế liên doanh trồng rừng là giải pháp “cởi trói” để yên tâm gắn bó với rừng. Hiện, cả 5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý đều xây dựng cơ chế liên doanh trồng rừng theo hướng hiệu quả và đem lại “lợi ích kép” cho cả người dân - doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình. Sau khi liên doanh với hơn 200 lượt hộ gia đình ở Trung Trực, Kiến Thiết, Tân Long, Tân Tiến (Yên Sơn), Tràng Đà (TP Tuyên Quang) trồng, chăm sóc, bảo vệ toàn bộ 1.400 ha rừng của đơn vị, thì hiệu quả đạt được thấy rõ. Nếu như trước đây, mỗi ha rừng chỉ cho sản lượng gỗ khai thác từ 60 - 70 m3/ha thì nay đã tăng lên 90 - 100 m3/ha. Cho đến nay, 5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý cũng đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17-02-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Khi nông dân đã yêu rừng, thì bài toán nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng được chính quyền chung tay tìm lời giải. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, thời điểm hiện tại, giá trị thu nhập trên 1 ha rừng đạt 60 triệu đồng/chu kỳ 7 năm. Tính ra mỗi năm, người trồng rừng thu được chưa đến 10 triệu đồng từ 1 ha. Cải thiện vấn đề này, Thường trực Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp xây dựng, thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2018 - 2021. Năm 2017, Tuyên Quang lần đầu tiên ban hành 1 nghị quyết chuyên biệt hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao cho người dân, trong đó ưu tiên những hộ có diện tích đủ lớn, từ 0,5 ha trở lên, đó là Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2018 - 2019, tỉnh đã hỗ trợ hơn 2.000 ha rừng trồng bằng các giống keo lai nuôi cấy mô, keo hạt nhập ngoại cho người trồng rừng của cả 7 huyện, thành phố.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình đo độ sinh trưởng cây keo lai mô. Ảnh: Cao Huy |
Kỳ tích FSC
Tuyên Quang hiện có 9 nhà máy chế biến gỗ lớn, 382 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, trong đó có 74 tổ chức, 308 hộ cá thể.
Trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã đề ra, Tuyên Quang chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản. Chỉ riêng giai đoạn 2015-2018, Tuyên Quang đã thu hút được 4 dự án chế biến lâm sản, nâng tổng số dự án chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh lên 9 dự án. Bao gồm, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 130 tấn/năm; Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang công suất 5.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ Thái Bình (Yên Sơn) công suất 6.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang công suất 7.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) công suất 250 triệu sản phẩm/năm; Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân (Yên Sơn) công suất 150.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén công suất 3.000 tấn/năm tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn); Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa công suất 50.000 m3/năm.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương) hướng dẫn người dân xã Tân Trào kỹ thuật trồng rừng. |
Thu hút được doanh nghiệp, tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhất là trong bài toán nguyên liệu. Thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa gặp không ít khó khăn do không đủ nguyên liệu sản xuất, có thời điểm nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Trước bối cảnh đó, Thường trực Tỉnh ủy có chủ trương cho công ty thuê đất để lập 5 trạm thu mua nguyên liệu tại địa bàn các huyện thuộc vùng quy hoạch; thực hiện chính sách 1 giá thu mua nguyên liệu, bảo đảm quyền lợi của người trồng rừng, do đó thời gian qua, công ty đã có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất và hiện đơn vị này cũng đang lắp dây chuyền thứ 2 sản xuất giấy với công suất 150.000 tấn/năm.
Trong 9 dự án chế biến gỗ đang triển khai trên địa bàn tỉnh, có 2 dự án của Woodsland Tuyên Quang là Nhà máy chế biến gỗ Thái Bình và Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân yêu cầu bắt buộc là phải sử dụng gỗ có chứng chỉ rừng quốc tế FSC để có thể xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là yêu cầu chưa có tiền lệ, khi người trồng rừng Tuyên Quang chưa bao giờ phải áp dụng bất kỳ một quy tắc, tiêu chuẩn nào trong trồng và khai thác rừng trồng. Và câu chuyện làm “giấy thông hành” cho gỗ rừng trồng Tuyên Quang vươn mình ra thế giới được coi là kỳ tích của những người làm lâm nghiệp. Bắt đầu thí điểm từ năm 2015, sau nhiều địa phương như Quảng Trị, nhưng đến cuối tháng 6 - 2019, Tuyên Quang đã là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, với 22.822 ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Ma Đình Sắc chia sẻ, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu mỗi năm trồng mới trên 30 ha rừng và hoàn toàn chưa có mục tiêu cụ thể gì cho rừng trồng FSC, vì mãi đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, người dân Hùng Mỹ mới biết đến khái niệm này. Vì vậy, hầu hết cán bộ, đảng viên có rừng ở xã tiên phong làm trước. Kiên trì vận động, nhắc nhở từng ngày, sau 2 năm, Hùng Mỹ giờ có 181,85 ha rừng của 44 hộ gia đình được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2019, xã đăng ký thêm 150 ha rừng được cấp mới.
Ông Quan Thành Lập, Trưởng nhóm cấp chứng chỉ rừng thôn Dỗm, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) vừa bán hơn 1 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC cuối năm 2018. Nhóm chứng chỉ rừng thôn Dỗm năm vừa rồi có 2 người có rừng FSC khai thác là ông và ông Ma Văn Thắng, thì ai nấy đều hồ hởi vì có lãi. Ông Lập bảo, trồng rừng cả chục năm nay, nhưng đến năm vừa rồi, số tiền ông thu được từ rừng mới đạt được con số trên 100 triệu đồng. Ông Ma Văn Thắng khai thác chưa đầy nửa ha rừng cũng được trả hơn 40 triệu đồng, trong khi nếu là rừng trồng bình thường, thì nửa ha này có khi chỉ được 25 - 30 triệu đồng thôi. Trưởng nhóm chứng chỉ rừng Quan Văn Lập bảo, làm rừng FSC vất vả hơn, khó khăn hơn, nhưng thành quả thu được ngọt ngào hơn nhiều.
Câu chuyện trồng rừng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC giờ đã đến với người trồng rừng khắp các địa bàn, từ Chiêm Hóa, Hàm Yên đến Yên Sơn, Sơn Dương; từ các công ty lâm nghiệp đến các hợp tác xã, nhóm hộ gia đình. Hợp tác xã Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) là một trong những hợp tác xã đầu tiên tự bỏ vốn làm rừng FSC. Hết tháng 6 - 2019, đã có 1.451,8 ha rừng ở Tiến Bộ do Hợp tác xã bỏ vốn đầu tư được cấp chứng chỉ FSC, trong số này đã có 200 ha được khai thác, với giá thu mua cao hơn từ 10 - 15%.
Giám đốc Hợp tác xã Nịnh Văn Lìn chia sẻ, trong năm 2019, hợp tác xã tiếp tục bỏ vốn để hướng dẫn người dân thực hiện cấp chứng chỉ cho hơn 1.000 ha ở Tiến Bộ. Không chỉ tính đến chuyện bỏ vốn làm rừng quốc tế, Hợp tác xã Tiến Huy đang tính đến việc mở xưởng chế biến gỗ theo tiêu chuẩn CoC (tiêu chuẩn chế biến gỗ thô của thế giới) vào năm 2020. Khi xưởng chế biến gỗ được thành lập, toàn bộ sản lượng gỗ khai thác của người dân sẽ được gia công trước khi xuất bán cho các công ty, qua đó làm tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận sẽ được phân chia bảo đảm cho cả trưởng nhóm và các thành viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết bảo vệ rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”. Với mỗi người dân Tuyên Quang, rừng đã thực sự là vàng, khi không chỉ đem lại sinh kế bền vững, ổn định cho hàng nghìn con người, mà còn góp phần bảo vệ họ trước những biến đổi khó lường của khí hậu.
Dưới những tán rừng xanh, họ bình yên sinh sống!
(Còn nữa)
Gửi phản hồi