Bài 1: Rừng Tuyên Quang mãi xanh
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Tuyên Quang luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu giữ vững và phát triển vốn rừng, coi rừng là “mạch máu của sự sống”. Trước cách mạng Tháng Tám 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rừng Tuyên Quang đã chở che Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi; trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, rừng Tuyên Quang đang vươn ra “biển lớn” mang lại nguồn thu không nhỏ cho người làm rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.
Rừng chở che cách mạng
Thiên nhiên, con người, văn hoá các dân tộc vùng đất sơn thủy hữu tình đã tạo nên một Tuyên Quang hùng vĩ. “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào”, “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, lời hát, câu thơ xưa gợi lại một thời hào hùng của dân tộc ta diễn ra trên quê hương Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Con người, rừng núi Tuyên Quang đã chở che cách mạng, Bác Hồ lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau đó, thực dân Pháp thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa, con người, núi rừng Tuyên Quang lại đồng hành cùng dân tộc thực hiện 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông Hoàng Ngọc, năm nay 80 tuổi, già làng Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) bảo rằng, từ bao đời nay, người Tân Trào gắn bó với núi rừng, giữ rừng như “máu thịt” của mình. Tháng 5-1945, Bác Hồ từ Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào lãnh đạo cách mạng đã nhận thấy nơi đây ngoài có “dân tốt” còn có “địa hình tốt”, tức là rừng Tân Trào, Tuyên Quang điệp trùng là điều kiện tốt để chở che và nuôi dưỡng cán bộ. Rừng được xem như những chiếc “áo giáp” bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ cán bộ lãnh đạo cách mạng đi đến toàn thắng.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương kiểm tra diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tại thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật. Ảnh: Cao Huy |
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chọn Tuyên Quang đặt trụ sở làm việc. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có gần 6 năm gắn bó với núi rừng Tuyên Quang, được đất rừng Tuyên Quang, đồng bào Tuyên Quang che chở tuyệt đối an toàn để đề ra những quyết sách lớn lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.
ATK Chiêm Hóa giờ đã có nhiều đổi thay nhưng những cánh rừng một thời che giấu cán bộ vẫn ngút ngàn xanh. Bóng rừng Kim Bình, Kiên Đài, Vinh Quang gắn với Bác Hồ, với các cơ quan Trung ương; những cánh rừng Nà Loáng, Pù Mi, Pù Choang, xã Kim Bình đã chứng kiến Đại hội Đảng duy nhất tổ chức tại Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến chứ không phải tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm Văn hiến. Ông Ma Quang Ngân, năm nay ngoài 80 tuổi ở thôn Đồng Cột, xã Kim Bình là người từng được tham gia phục vụ Đại hội tự hào về con người, núi rừng quê hương mình đã nuôi dưỡng cách mạng làm nên những chiến công vẻ vang, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Những cánh rừng nguyên sinh ngày xưa ấy từng che bộ đội, từng vây quân thù vẫn còn đây trên mảnh đất này tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ các di tích lịch sử để gìn giữ “bảo tàng cách mạng”, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Rừng Tuyên Quang vẫn ngát xanh, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách, điều hòa khí hậu, giữ gìn nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất.
Hành trình đi tìm “visa” cho rừng
Yêu rừng và gắn bó với rừng, người Tuyên Quang luôn biết cách làm cho vốn rừng mãi đầy lên. Rừng mang lại cho người dân Tuyên Quang bao giá trị. Trong chiến tranh, rừng làm an toàn khu, chở che Bác Hồ, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo thành công cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong hòa bình, gỗ rừng trồng Tuyên Quang đang tìm đường vào các thị trường lớn để người dân quê hương cách mạng có thêm cơ hội làm giàu từ rừng.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chăm sóc rừng trồng của bà con xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) theo quy trình FSC. Ảnh: Duy Hùng |
Người dân Tuyên Quang đã bao đời làm rừng nhưng cái tên FSC chưa từng được biết đến. Năm 2015, lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, rừng được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Mô hình trồng rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, bảo vệ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, trồng rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh, khi Tuyên Quang đang nỗ lực từng ngày trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tuyên Quang đứng trong Top 5 của cả nước về trồng rừng sản xuất và đứng trong Top 3 về tỷ lệ che phủ rừng. Đây là lợi thế lớn nhưng một thời gian khá dài Tuyên Quang vẫn chưa thể phát huy vì những thói quen trồng rừng tự phát, thiếu tính liên kết và khoa học. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt thấp, tính ra người làm rừng có thu nhập dăm bảy triệu đồng/ha/năm. Nhiều người chán nản, bỏ rừng để trồng cây khác. Đó là một thực tế nhưng kéo dài không lâu bởi người Tuyên Quang luôn yêu rừng, biết cách làm cho rừng sinh lợi ích.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp, năm 2015, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động liên kết với Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam mời các chuyên gia Quỹ phát triển rừng Quốc tế hỗ trợ làm rừng FSC. Sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được các chuyên gia đánh giá cao và mang lại kết quả ngoài mong đợi, với 11.642 ha được cấp. Những cánh rừng FSC đầu tiên được cấp chứng chỉ ở các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý và một số nhóm hộ tại Yên Sơn, với giá thu mua từ 90-100 triệu đồng/ha thay vì 50-60 triệu đồng/ha như trước đây.
Thành tựu lớn mà Tuyên Quang đạt được trong thời gian qua là phát triển vốn rừng và thực hành rừng theo tiêu chuẩn quốc tế đang nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân. Thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) có 110 hộ dân, chủ yếu là người Dao Quần trắng. Ông Lý Văn Dau, một trong những chủ hộ trong thôn có 2,2 ha được cấp chứng chỉ rừng cho biết, việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC giúp những người trồng rừng như ông tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, cách thức canh tác mới, xóa bỏ hẳn tình trạng trồng tự phát như trước đây, vì toàn bộ các khâu từ giống, sử dụng phân bón đến bao tiêu sản phẩm đều có hợp đồng rõ ràng. Bà con trong thôn không ai bảo ai, tự giác thu gom rác thải trong sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xanh - sạch - an toàn để bảo vệ rừng.
Ngoài việc được hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc, bảo vệ, được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khai thác với giá cao hơn giá thị trường, đặc biệt, đối với những diện tích rừng mà gỗ có đường vanh từ 40 cm trở lên được đơn vị thu mua trả thêm 100.000 đồng/ha… Thêm nữa, rừng đạt chuẩn FSC thì việc khai thác cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc là không đốn chặt bừa bãi, ồ ạt theo kiểu tận thu mà phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng; đảm bảo an toàn lao động và tuyệt đối không để rừng “trọc” sau khai thác. Tính toán của những hộ tham gia trồng rừng FSC thì chi phí ban đầu để trồng mỗi ha rừng hết khoảng 15-20 triệu đồng. Đến năm thứ sáu tỉa thưa kỹ thuật một phần rừng lấy gỗ bán được khoản tiền đủ trang trải cho vốn đầu tư. Đến năm thứ mười trở đi khai thác số tiền bán gỗ rừng thu về được bao nhiêu là lãi bấy nhiêu. Tính trung bình mỗi năm trồng rừng FSC người dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha.
Từ tình yêu rừng, người dân Tuyên Quang đã phát triển rừng bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Giá trị sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng, trong đó, năm 2018, đạt trên 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017.
Gửi phản hồi