Sau khi học xong THPT, không như nhiều bạn trẻ khác thi vào các trường ĐH, CĐ, anh Lèng Văn Duy sinh năm 1986, ở thôn Nà Nghè xã Tân Thịnh, chọn tham gia lao động sản xuất để nuôi bản thân, cũng như tích góp nguồn vốn để phát triển kinh tế. Năm 2004 anh đi làm thuê tại với công việc là lắp điện, nước, bắn mái tôn cho các công trình xây dựng tại thị trấn Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, năm 2006, có chút ít vốn và kinh nghiệm anh đã tự thuê đất mở cửa hàng riêng để kinh doanh tại huyện Mèo Vạc.
Vườn cam Vinh của gia đình anh Lèng Văn Duy đã bắt đầu cho thu hoạch.
Sau 10 năm kinh doanh, có một nguồn vốn nhất định, với điều kiện gia đình neo người, bố mẹ già yếu, anh Duy có ý nghĩ trở về địa phương lập nghiệp, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, lại có các điều kiện về đất, nguồn nước, khí hậu của địa phương thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng, năm 2016 anh quyết định về địa phương, lựa chọn và bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Đầu tư vào trồng cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi không phải là hướng đi mới. Nhưng đây lại là hướng đi phù hợp với đồng đất của gia đình. Anh bắt tay ngay vào việc cải tạo đất, trồng 230 cây cam Vinh, đào ao thả cá, và trồng rừng. Năm 2019 này, vườn cam vinh của gia đình anh Lèng Văn Duy sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên với ước tính khoảng hơn 8 tấn. Để có được những quả cam đạt chất lượng, trong quá trình chăm sóc, anh đã sử dụng hợp lý lượng phân bón, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt...Thành công với cây cam, năm 2018, anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng nuôi gà thương phẩm. Hiện nay anh đã xuất bán được 3 lứa với mỗi lứa 900 con. Đặc biệt trong chăn nuôi gà, với đặc tính gà trống, qua học hỏi kỹ thuật từ bạn bè, để gà phát triển nhanh anh đã áp dụng kỹ thuật "đeo kính" cho gà. Ngoài ra tại hệ thống chuồng anh còn sử dụng hệ thống camera để theo dõi, lắp đặt hệ thống điện, quạt mát, sử dụng đệm lót sinh học, tận dụng nguồn phân để ủ, bón cho cây cam, và chính vườn cam là sân chơi để tăng chất lượng thịt, giá trị của gà, ngoài ra, anh còn trồng hơn 2ha keo lai. Giữa năm nay, mô hình của anh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại tổng hợp. Được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh với số tiền 350 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ được vay vốn, anh mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, xây dựng thêm một chuồng nuôi gia cầm rộng gần 200m2.
Lứa gà thứ 3 của anh Duy chuẩn bị xuất bán.
Có thể nói, mô hình kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi của anh Duy là một trong những mô hình tiêu biểu trên địa bàn xã Tân Thịnh. Mô hình này đã tạo động lực cho thanh niên địa phương trong việc tìm tòi, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của gia đình. Anh Hà Tiến Long, Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Tân Thịnh cho biết: Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Duy còn tham ra nhiệt tình các phong trào do Đoàn xã tổ chức, bên cạnh đó, xã tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến thăm quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình kinh tế của anh Duy từ đó có hướng nhân rộng ra trên địa bàn.
Việc xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, không những bước đầu tạo được nguồn thu nhập cho gia đình anh, mà còn cho thấy sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm của thanh niên trong thời đại mới. Đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cùng với xã Tân Thịnh phấn đấu về đích NTM trong năm 2019./.
Gửi phản hồi