Khu vực chăn nuôi lợn của bà Hà Thị Cam - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn
thôn Bản Ba, xã Tri Phú (Chiêm Hóa).
Xã Tri Phú có 806 hội viên nông dân sinh hoạt ở 15 chi hội. Từ năm 2014 đến nay, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh (TNSP), xã đã thành lập được 14 tổ hợp tác với gần 200 hội viên nông dân tham gia. Trong đó có 12 tổ hợp tác chăn nuôi lợn, 1 tổ hợp tác chăn nuôi gà và 1 tổ hợp tác trồng chuối.
Các tổ hợp tác được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên với cùng mục đích trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong sản xuất từ liên hệ mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi, phân bón và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro. Các thành viên tổ hợp tác được Dự án TNSP tập huấn về khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ khâu lựa chọn giống tốt, chăm sóc, điều trị bệnh cho vật nuôi, cây trồng...
Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt thôn Bản Ba được thành lập từ tháng 11-2014 với 14 thành viên. Các thành viên thường xuyên duy trì nuôi từ 15 đến 100 con/lứa. Bà Hà Thị Cam, Tổ trưởng là người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, nuôi trên 70 con lợn thịt/lứa, trung bình mỗi năm bà Cam xuất bán được khoảng 20 tấn lợn hơi, thu lãi trên 150 triệu đồng.
Ngoài việc tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các thành viên. Nếu trước đây, nhiều thành viên của tổ hợp tác chỉ nuôi 1-3 con lợn/lứa thì nay đã mạnh dạn tăng đàn từ 15 con trở lên, kinh tế khá hơn, thu lãi hàng chục triệu đồng/năm, tiêu biểu như các thành viên Ngân Thị Hậu, Ma Văn Khiên, Hoàng Thị Lai...
Chuối là cây trồng xóa đói giảm nghèo của nông dân xã Tri Phú, đã phát triển đến hơn 200 ha tập trung ở thôn Khuôn Mạ, Bản Tù... Tổ hợp tác trồng chuối thôn Khuôn Mạ được thành lập từ năm 2014 với 13 thành viên. Mỗi thành viên có từ 5.000 m2 đất trồng chuối trở lên và không ngừng mở rộng thêm diện tích.
Bà Lý Thị Cung, Tổ trưởng cho biết, Tổ hợp tác đã tạo môi trường thuận lợi cho các thành viên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chuối, chia sẻ thông tin thị trường, tìm đầu ra ổn định. Đặc biệt tổ đã xây dựng nguồn quỹ 13 triệu đồng giúp cho những thành viên khó khăn vay đầu tư mua phân bón, giống, mở đường lên khu vực nương chuối. Đến nay, các thành viên trong tổ đều có thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng từ bán chuối. Năm 2016, trong tổ có gia đình thành viên Hứa Văn Bình, Hứa Quốc Văn đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Vĩnh Lạc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Phú cho biết, các tổ hợp tác của hội viên nông dân là mô hình hợp tác cùng phát triển thông qua việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau về áp dụng khoa học, kỹ thuật...
Đa số các tổ hợp tác đều hoạt động hiệu quả giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng/năm. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thêm hội viên tham gia các tổ hợp tác để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi