Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hùng Mỹ, Cao Bình được ví như một SaPa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa, quanh năm sương mù bao phủ. Từ năm 2016 trở về trước, Cao Bình được ví như “ốc đảo” của xã Hùng Mỹ. Con đường dẫn từ xã lên Cao Bình chỉ khoảng 5 - 6 km nhưng độ dốc cao, ngoằn ngèo, đá lởm chởm, trơn trượt, ba năm trước, nơi đây là “ốc đảo” với “4 không” không điện, không đường, không nhà văn hóa, không chợ. Bà con làm ra sản phẩm mang đi bán phải oằn mình gùi hàng xuống núi bán. Nhiều gia đình nghèo thường nửa năm đi xuống núi đi chợ một lần.
Người dân thôn Cao Bình triển khai trồng cây dược liệu cà gai leo, một hướng đi mới cho thôn vùng cao của xã Hùng Mỹ.
Lên với Cao Bình hôm nay, mọi thứ đã khác lắm rồi, con dốc treo leo, trơn trượt để đến Cao Bình trước đây giờ đã được thay thế bằng con đường bê tông trắng phau, hệ thống điện lưới đã được kéo về bản, Nhà văn hóa, các điểm trường Mầm non, tiểu học đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế được phát triển, cùng với các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn 135 triển khai có hiệu quả đã tạo đà quan trọng để đời sống nhân dân ở thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ thay đổi như ngày nay. Chúng tôi đến thôn Cao Bình vào đúng dịp thôn đón gần 100 cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội đến hỗ trợ các hộ dân trồng cây dược liệu cà gai leo. Đây là dự án trồng cây dược liệu xã triển khai tại thôn có sự hỗ trợ từ nguồn vốn 135. Các hộ tham gia trồng sẽ được hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật và xã ký kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hiện thôn Cao Bình đã có 19 hộ đăng ký tham gia, với tổng diện tích là 2 ha. Đây là hướng đi mới và là cây mở ra hướng xóa nghèo đối với nhân dân Cao Bình.
Thôn Cao Bình hiện có 75 hộ, với 100% gia đình là đồng bào thiểu số. Kinh tế chủ lực của người dân ở đây là cây mía, cây lạc, chăn nuôi. Đây chính là “vựa” mía lớn nhất của xã. Thời điểm cao nhất, thôn có 50ha mía. Đến nay, thôn còn hơn 30 ha mía. Ngoài trồng mía, bà con nhân dân trồng 30 ha lạc và chăn nuôi hơn 100 con trâu sinh sản.. Từ ngày có điện, mọi sinh hoạt của bà con thuận tiện, như sử dụng được máy sát gạo, máy bơm nước, máy nghiền phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, trồng cấy. Con đường từ thôn đến trung tâm xã được bê tông hóa, sản phẩm của bà con làm ra đều được thương lái đến tận nơi mua. Đặc biệt bà con được giao lưu với cuộc sống bên ngoài nên mở mang được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho năng xuất cao hơn, đời sống vì thế cũng khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 59 hộ năm 2016 xuống còn 40 hộ năm 2019; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Với những kết quả đạt được ở thôn Cao Bình đã cho thấy chính sách đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như nguồn vốn 135 đến với các vùng khó khăn đã phát huy hiệu quả, tạo đà kịp thời cho các địa phương, nhân dân vùng khó khăn có động lực vươn lên ổn định cuộc sống. Đặc biệt, những mô hình được triển khai thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ 135 như mô hình cà gai leo ở xã Hùng Mỹ sẽ mở ra nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế ổn định cho người dân trong xã.
Chia tay Cao Bình, chúng tôi lưu luyến ngoái nhìn từng tốp người đang cần mẫn, hăng say tay cuốc, tay bầu trồng cây gai leo. Tiếng cười đùa giòn tan vui nhộn cả một vùng trời, như minh chứng cho sức sống của con người nơi đây. Bản người Dao, người Tày Cao Bình đang chuyển mình mạnh mẽ.
Gửi phản hồi