Mỗi buổi sáng, sau khi kết thúc công việc đặt 500 mảnh vỏ chai cho 500 cây sơn, vợ chồng anh Lý Văn Suất trở về nhà để làm công việc thường nhật. Rồi buổi trưa, khi trời hửng nắng, những vết chích từ thân cây sơn se miệng, nhựa sơn ngừng chảy, vợ chồng lại thực hiện việc thu nhựa sơn. Đây là một trong những hộ gia đình tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế khá nhờ trồng sơn ở thôn Đầm Hồng 1 xã Ngọc Hội từ năm 2007. Chính anh Suất cũng không ngờ cây sơn lại hợp đất đồi nhà anh đến thế, chăm sóc qua loa nhưng 2 năm sau vườn sơn đã bắt đầu cho thu hoạch nhựa. Trước đây cũng trên diện tích này, do không tìm được cây có giá trị kinh tế cao nên gia đình chỉ trồng keo lấy gỗ. Sau một chu kỳ 7 đến 8 năm chăm sóc giá trị kinh tế chỉ được vài chục triệu đồng. Nhựa sơn được tư thương tìm đến tận nhà mua hết ngay và còn hẹn cứ có hàng nhiều hay ít thì cứ “alo” là họ đến mua tất. Thấy nhựa sơn quá dễ bán lại được giá cao nên gia đình anh Suất đã mở rộng diện tích trồng cây sơn lên gần 1 ha. Đến nay, mỗi ngày gia đình anh Suất thu hoạch được 5 kg nhựa sơn, bán với giá 280.000 đến 300.000 đồng/kg.
Cây sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số hộ gia đình tại xã Ngọc Hội.
Đi giữa bạt ngàn của vườn sơn 2.000 cây, rộng khoảng 1,5 ha đang bước sang tuổi thứ 4 của gia đình anh Hoàng Văn Hoan ở cùng thôn Đầm Hồng 1, người vừa xây ngôi nhà 2 tầng trị giá trên 500 triệu đồng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khu vườn sơn đang phủ màu xanh ngút và bắt mắt bởi không gian thoáng, sạch cỏ của cả khu vườn. Để có được thành quả này, công đầu tư, chăm sóc vườn sơn của gia đình Hoan ban đầu rất đơn giản: Chỉ cần 700.000 đồng/kg tiền hạt giống và đầu tư 1,5 tạ phân đạm, phân NPK bón lót, vườn sơn của gia đình anh cứ vậy lớn lên mà không hề kén đất, cho dù đất bạc màu hay đồi, núi trọc. Hơn nữa, cây sơn ưa môi trường sống sạch nên anh Hoan chỉ cần đầu tư công phát, dọn cỏ để vườn sơn lớn lên căng tràn sức sống...Đồng chí Nguyễn Mạnh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội cho biết: Nếu như trong năm 2010 toàn xã Ngọc Hội có 62,99% hộ nghèo thì đến năm 2013 chỉ còn có 39,26%. Toàn xã phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% . Và cây sơn ta đang trở thành cây "xóa đói giảm nghèo", giúp người dân trong xã có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm các tiện nghi trong gia đình và sửa sang, xây mới nhà cửa khang trang. Nếu như trước kia, nhiều gia đình “bỏ” cả đồi sơn không cắt vì giá nhựa sơn quá rẻ, thì giờ mỗi ngày thu được vài cân sơn từ những đồi sơn đó. Cây sơn cho đều sản phẩm quanh năm, dao động từ 1,8 kg tới 2,2kg/năm/cây, với mức giá tại vườn 300.000 đồng/kg thì thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa.
Hiện xã Ngọc Hội có trên 80 ha cây sơn. Trồng tập trung nhiều nhất ở thôn Đầm Hồng 1 với diện tích trên 57 ha, còn lại rải rác ở các thôn bản khác. Việc trồng cây sơn đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu hiệu quả nên trong thời gian tới xã Ngọc Hội sẽ có những hướng đi, đặc biệt là cân nhắc mở rộng diện tích sơn một cách hợp lý để tăng thêm thu nhập cho người dân./.
Gửi phản hồi