Vườn ươm keo giống của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. |
5 công ty lâm nghiệp phải hoàn thành chuyển đổi lần này là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Sơn Dương. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến giữa tháng 11, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án chuyển đổi của 5/5 công ty TNHH MTV lâm nghiệp. Trong đó, 4 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Chiêm Hóa, Tuyên Bình, Yên Sơn, Sơn Dương chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên; Công ty TNHH MTV Nguyễn Văn Trỗi chuyển thành công ty cổ phần, nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Ngày 31-10-2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn là doanh nghiệp cuối cùng được UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển đổi, sắp xếp theo phương án chuyển đổi từ 1 thành viên lên 2 thành viên trở lên. Hiện đã có Công ty cổ phần Giấy An Hòa đăng ký làm thành viên thứ hai, góp vốn với doanh nghiệp sau sắp xếp, chuyển đổi. Theo đó, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn giai đoạn 2018-2020 là trên 21 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn (chủ sở hữu là UBND tỉnh Tuyên Quang) góp vốn trên 16 tỷ đồng, chiếm 75,63%; Công ty cổ phần Giấy An Hòa góp vốn trên 5,2 tỷ đồng, chiếm 24,37% nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh. Đối với diện tích rừng bị mất do nguyên nhân chủ quan là 124,31 ha, giá trị trên 2 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn chịu trách nhiệm xác nhận và đối chiếu công nợ, quy trách nhiệm cho các tổ chức và cá nhân có liên quan để thu hồi toàn bộ số tiền nêu trên. Qua rà soát, diện tích rừng mất do nguyên nhân khách quan giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2014 giá trị trên 4,6 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi cũng đã hoàn thành bán 1,7 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư. Kết quả, đã có 28 nhà đầu tư tham dự, với tổng khối lượng đăng ký mua đạt 24,9 triệu cổ phần (gấp 14 lần khối lượng cổ phần chào bán). Kết quả đấu giá cho thấy, 100% số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán cho 2 nhà đầu tư, với giá bình quân là 30.433 đồng/cổ phần. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi thu về hơn 54 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã bán được 38.600 cổ phần cho người lao động, với tổng số tiền thu được là 231,6 triệu đồng. Ngày 3-10-2018, công ty đã chuyển toàn bộ số tiền thu được về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Dự kiến cuối tháng 11, đơn vị sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Sau khi cổ phần hóa, công ty sẽ tiến hành lộ trình tái cơ cấu nguồn vốn dần dần trong khoảng từ 3 - 5 năm, đồng thời, công ty cũng xác định hai loại cây trồng chính hiện nay cho đến hết năm 2020 là keo và bạch đàn.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp do tỉnh quản lý nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, có định hướng và kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra và đề án tổng thể sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân chính là do phải giải quyết các đơn kiến nghị của công nhân và thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trong năm nay, hiện các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các công ty lâm nghiệp xử lý các phần việc còn vướng mắc như xử lý công nợ, bàn giao tài sản, thu hồi các khoản nợ rừng trồng bị thiếu hụt… Đồng thời, đề xuất cử người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ theo đúng quy định.
Gửi phản hồi