Sau những năm tham gia kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, CCB Trần Văn Qua, thôn Nà Coóc bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Trong 5 năm thực hiện phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, CCB Trần Văn Qua và gia đình hình thành mô hình kinh tế lấy ngắn nuôi dài, tận dụng hết diện tích để đầu tư phát triển sản xuất và hình thành chuỗi kinh tế liên hoàn, chủ động nguồn giống từ đầu vào đến xuất bán ra thị trường tiêu thụ. Đến nay, ông đã trồng rừng trồng Bạch đàn 1,5 ha đã được 2 năm, nuôi trâu vỗ béo có thời điểm lên đến 8 con con; làm đậu phụ; nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt 20 con/1 lứa; trồng Bưởi da xanh 0,4 ha, nhãn 0,5 ha, trồng dưa kết hợp với rau xanh vụ đông trên 2000m2.... Doanh thu của gia đình ước năm 2021 đạt trên 120 triệu đồng.
Mô hình trồng cây ăn quả của CCB Trần Văn Qua (người thứ 2 từ phải qua), thôn Nà Cóoc, xã Xuân Quang.
Mô hình của CCB Lâm Thị Toàn, thôn Ngoan B được coi là một trong những mô hình phát triển kinh tế thành công tiêu biểu của xã Xuân Quang. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đồng thời tận dụng lợi thế đất vườn đồi rộng, bà Toàn đã cải tạo, san ủi khe lạch lấy đường vào trồng rừng; đào ao thả cá, chăn nuôi gà, lợn, trâu bò theo hướng hàng hóa. Đến nay bà đã hình thành mô hình phát triển kinh tế VAC – R với trên 10 ha gỗ keo, mỡ, xoan đang trong tuổi khai thác; gần 2 ha nuôi thả cá với trên 5 tấn cá mỗi năm; hàng chục con trâu, bò vỗ béo; hàng trăm con gia cầm… cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của CCB Lâm Thị Toàn, thôn Ngoan B, xã Xuân Quang.
Ông Hà Văn Thiếp, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Quang cho biết: những năm qua, phong trào CCB làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã đã tăng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả các loại hình kinh tế có hiệu quả cao được duy trì và phát triển, trong đó tập trung vào các mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi; chăn nuôi kết hợp kinh doanh tạp hóa; tiểu thủ công nghiệp, chế biến; hoạt động thương mại, dịch vụ… Các hộ đã cải tạo vườn tạp, tận dụng diện tích trồng mía nguyên liệu, trồng rừng, cây ăn quả... hàng năm có nhiều hộ thu từ 70 đến 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội CCB xã đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, ký hợp đồng nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện xét cho 88 lượt hộ gia đình hội viên vay với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, quỹ tự lập tại các chi hội trên 400 triệu đồng cho hội viên vay luân phiên, vay Ngân hàng NN&PTNT 32 hộ với số dư nợ 814 triệu đồng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Gửi phản hồi