Hội nghị đối thoại Công - Tư và Xúc tiến phát triển ngành hàng tại Chiêm Hóa năm 2013.
Dự Hội nghị có đồng chí Hà Đức Tập, Uỷ viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện; Tiến sỹ Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu KHKT Nông lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT; Tiến sỹ Đậu Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thiết kế chế tạo máy nông nghiệp Bộ Công thương; Lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; Lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn của huyện; Đại diện các Phòng chăn nuôi, Phòng trồng trọt Trung tâm khuyên nông tỉnh, Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp các huyện; Lãnh đạo UBND các xã, thành viên các nhóm sở thích, tổ hợp tác của 14 xã thực hiện dự án TNSP; Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm gần đây sản xuất nông lâm nghiệp của huyện đã có những chuyển biến rõ rệt, nhất là việc ứng dụng KHKT vào sản xuất và từng bước áp dụng công nghệ sơ chế bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đã tạo ra một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng tăng lên hàng năm. Theo số liệu khảo sát của ngành chuyên môn, tổng sản lượng lương thực năm 2013 toàn huyện đạt 72.388 tấn, trong đó sản lượng thóc đạt trên 56.400 tấn; ngô đạt gần 15.960 tấn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn và cung cấp một phần cho thị trường. Đặc biệt với việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh sản xuất lạc hàng hóa với diện tích 2.670ha, sản lượng ước đạt trên 8.300 tấn, doanh thu đạt trên 180 tỷ đồng.
Đại biểu tham quan các mặt hàng nông nghiệp tại hội nghị.
Về chăn nuôi lợn thịt, hàng năm có trên 140.000 con được xuất chuồng, sản lượng đạt trên 9.300 tấn lợn hơi, giá trị kinh tế ước đạt trên 327 tỷ đồng. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ nông lâm sản của huyện còn nhiều khó chưa bền vững do chưa liên kết được thị trường, người sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nằm trong chiến lược phát triển hàng hóa trên địa bàn, giai đoạn 2013-2015, chú trọng vào việc tạo mối liên kết ngang giữa các hộ sản xuất thành các tổ nhóm mua chung, bán chung, và đặc biệt là việc liên kết giữa các tổ nhóm và hộ sản xuất hàng hóa với thị trường như các doanh nghiệp, HTX, Tư thương. Xây dựng được mối liên kết dọc giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ và cơ sở chế biến, thể hiện bằng các hợp đồng kinh tế cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Thành lập Hiệp hội quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm lạc với sự tham gia của các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2014, Chiêm Hóa đăng ký thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm lạc, trong đó có ít nhất 10% sản lượng lạc được đóng gói bao bì đưa ra thị trường là lạc loại 1, đến năm 2015 số lượng lạc được đóng gói bao bì là 15% so với tổng sản lượng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hiệp hội lạc đưa sản phẩm tham gia các kỳ Hội chợ trong nước và Quốc tế; Quy hoạch từng vùng chăn nuôi các giống lợn, thời gian nuôi, quy trình chăn nuôi, cách chăm sóc hướng đến liên kết thị trường, tập trung xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ máy chế biến thức ăn gia súc và đầu tư xây dựng công trình hạ tầng sản xuất để hỗ trợ chăn nuôi lợn hàng hóa cho người chăn nuôi, đảm bảo hàng năm duy trì trên 80.000 con /14 xã thực hiện hiện Dự án. Cùng với đó tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp tổ chức, điều hành tổ nhóm, nâng cao chất lượng sản phẩm, lập kế hoạch kinh doanh, kiến thức thị trường và hợp đồng mua bán, qua đó giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Đại biểu tham quan một số máy móc phục vụ nông nghiệp.
Tại Hội nghị các ý kiến thảo luận, đối thoại nhằm tăng sự hợp tác giữa 4 nhà Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Theo đó, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận giữa người sản xuất và các nhà khoa học, doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình sản xuất và tháo gỡ những khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm nông lâm sản. Trên tinh thần đối thoại trao đổi thẳng thắn giữa cấp ủy chính quyền, các doanh nghiệp với người nông dân trong việc đưa ra các giải pháp về sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong chiến lược phát triển hàng hóa trên địa bàn toàn huyện. Tại hội nghị các thành viên tổ hợp tác, các địa phương và các doanh nghiệp đã cùng ký biên bản ghi nhớ liên kết giưa người sản xuất và doanh ghiệp bao tiêu sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi và chủ động để huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa mang lại nguồn thu nhập cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Gửi phản hồi