Đại biểu dự Hội nghị khởi động dự án và đánh giá chất lượng cảm quan thịt trâu Chiêm Hóa.
Dự án do Thạc sỹ Vũ Hữu Cường làm chủ nhiệm đề tài, đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Trung Tâm nghiên cứu và phát triển Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2021, dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm từ 2021 đến năm 2024. Với trên 26.000 con, huyện Chiêm Hóa là địa phương phát triển chăn nuôi trâu lớn của tỉnh. Năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt gần 1.400 tấn. Huyện đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ chăn nuôi, xây dựng thương hiệu “trâu ngố” Chiêm Hóa trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.
Đại biểu đánh giá chất lượng cảm quan.
Tại hội nghị khởi động dự án, có 10 mẫu thịt trâu được lựa chọn, đánh giá chỉ tiêu cảm quan gồm các tiêu chí như: trạng thái, cấu trúc, màu sắc, mùi. Các đại biểu tham gia đánh giá cho điểm độc lập. Thang điểm cao nhất là 5, thấp nhất là 1. Theo đó, dựa trên kết quả phân tích đánh giá chất lượng cảm quan từ chuyên gia và các đại biểu, hội nghị đã thống nhất những dấu hiệu cảm quan thịt trâu Chiêm Hóa có những đặc trưng riêng có như: săn chắc, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng…
Các mẫu đánh giá chất lượng cảm quan thịt trâu Chiêm Hóa.
Hội nghị tổ chức nhằm mục đích đăng ký bảo hộ thành công Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang và thiết lập được mô hình quản lý và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy suất nguồn gốc và quản lý chất lượng. Trên cơ sở đó giúp bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ để tăng giá bán, tạo thêm giá trị gia tăng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi