Dự hội nghị có lãnh đạo sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Tuyên Quang; Văn phòng HĐND & UBND, Phòng Kinh tế & Hạ tầng; các thành viên trong hội đồng nghiệm thu cấp huyện; UBND thị trấn Vĩnh Lộc; Ban chủ nhiệm HTX Nông, lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Thuận chủ trì Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm Bánh gai Chiêm Hóa.
Dự án xây dựng và phát triển bánh Gai Chiêm Hóa thực hiện với mục tiêu phát triển nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” cho sản phẩm Bánh gai của huyện Chiêm Hóa, tạo dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu, xây dựng mô hình quản lý, duy trì ổn định chất lượng, giữ gìn, phát huy giá trị của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Sau 02 năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra. Hội nghị đã thông qua Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, báo cáo kết quả thực hiện Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu “Bánh gai Chiêm Hóa” huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của các đại biểu và các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện thương hiệu như quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản, nhãn sản phẩm. Sau 02 năm triển khai thực hiện tất cả các nội dung công việc đã được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chiêm Hóa.
Bánh gai được làm từ các nguyên vật liệu gồm: gạo nếp, đỗ xanh, đường, mật mía, lá gai, lá chuối khô và một số nguyên liệu khác như dừa bánh tẻ, mỡ lợn, vừng, dầu thực vật, đường kính trắng… Sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa đã có từ bao đời nay. Trước đây bánh gai làm ra chủ yếu để cúng tổ tiên và trong những dịp lễ, Tết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và tiếp đãi khách quý đến chơi; dần dần Bánh gai Chiêm Hóa đã được biết đến và khách hàng đã có nhu cầu mua bánh gai về làm quà. Tuy nhiên việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... Hiện nay trên địa bàn thị trấn có khoảng trên 100 hộ làm bánh gai để bán phục vụ du khách, sản lượng sản xuất bánh mỗi ngày khoảng 2.400 cặp, vào các dịp lễ, tết có thể gấp 4 đến 5 lần. Qua đó đã tạo khoản thu nhập ổn định khoảng 4 đến 5 triệu đồng/hộ/tháng. Vì vậy, thành công của Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu Bánh gai Chiêm Hóa là cần thiết, góp phần bảo tồn được loại bánh cổ truyền đặc trưng của huyện Chiêm Hóa.
Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng đã trao đổi và thống nhất đánh giá Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nội dung đề ra, được Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở. Kết quả của dự án có tác động tích cực đến việc xây dựng và được cấp có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” phát triển trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Gửi phản hồi