Hội viên phụ nữ xã Hùng Mỹ với các sản phẩm của Tổ hợp tác mây, tre đan.
Tổ hợp tác Mây tre đan xã Hùng Mỹ có 9 thành viên là hội viên phụ nữ. Hiện nay tổ hợp tác đã cho ra thị trường các sản phẩm như: nón lá tày, quạt, túi sách... Mỗi sản phẩm có giá bán từ 30.000 - 200.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước. Mặc dù là nghề phụ nhưng đã đem lại cho gia đình khoản thu nhập đáng kể, tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình, đây cũng là một hướng phát triển kinh tế mới có triển vọng cho nhiều lao động tại địa phương. Chị Ma Thị Diễn, Tổ hợp tác Mây tre đan xã Hùng Mỹ cho biết, trước đây chị thường làm các sản phẩm nón lá, làn mây, cái mẹt, sàng... nhưng chỉ để sử dụng trong gia đình, nhưng nay tham gia vào tổ hợp tác chị hi vọng nghề đan lát được khôi phục, quảng bá được sản phẩm và có được thị trường tiêu thụ, để có thêm thu nhập cho gia đình.
Nguồn nguyên liệu phục vụ cho mây tre đan của xã Hùng Mỹ tương đối dồi dào, nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa, mây, giang, guột... sẵn có ở địa phương. Tuy nhiên để có sản phẩm mẫu mã đẹp thì tre, giang cần chọn cây thẳng dóng, không sâu mọt, không sử dụng những cây có mấu tre dày. Mây cần độ dẻo dai, mềm mại, màu sáng, khi đan thành sản phẩm trông sẽ đẹp mắt, sang trọng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Làm ra các sản phẩm mây - tre đan ngoài sự khéo léo còn đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, sáng tạo để tạo được nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường.
Huyện Chiêm Hóa có nhiềm tiềm năng để phát triển các sản phẩm gắn liền với đặc trưng của từng xã. Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác phát triển, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng các thương hiệu, quảng bá các sản phẩm ra thị trường. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo./.
Gửi phản hồi