Kỳ vọng “Chè Pà Thẻn”
Gần 11 giờ trưa, lão nông Dương Văn Nguyện, người dân tộc Pà Thẻn ở thôn Khuổi Hóp vẫn cặm cụi ở gò đồi, nơi có 0,4 ha chè của gia đình đã được 3 năm tuổi. Vừa bắt sâu trên lá chè, ông Nguyện vừa thủng thẳng nói: “Trồng chè sạch là phải kỳ công.
Chè của bà con Linh Phú chưa bao giờ phun thuốc sâu, không phun thuốc trừ cỏ cũng chẳng bón phân hóa học. Mọi thứ đều được chăm sóc thủ công”. Chúng tôi đảo mắt quanh vườn, quả thật là không có bất kỳ một vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật nào ở vườn chè. Cách chăm sóc chè thủ công của ông Nguyện cũng là cách chăm sóc chè của hầu hết bà con dân bản.
Ông Nguyện năm nay 58 tuổi, là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Hóp. Ông kể rằng, cây chè là cây trồng truyền thống của bà con dân tộc Tày, Pà Thẻn, Mông trong vùng. Mỗi gia đình Pà Thẻn đều có một vườn chè nhỏ, bà con tự hái, tự sao chè thủ công để uống hằng ngày.
Cây chè rất phù hợp với đất Linh Phú, không cần dùng phân bón mà vẫn lên xanh tốt, lại ít sâu bệnh. Chất đất ở đây là đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất nên giúp cho chè ở Linh Phú có hương vị đặc biệt, có vị thơm dịu của cốm, nước xanh và sánh. Nhiều người đến bản chơi được biếu gói chè mang về đều nức nở khen hương vị thơm ngon.
Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa) Tái Văn Mùi thăm vườn chè của bà con.
Chè ngon, nhiều người đã đến hỏi mua chè. Năm 2014, ông Nguyện và một số hộ dân thôn Khuổi Hóp đã tự nhân rộng chè để thành hàng hóa. Thấy chè của bà con phát triển tốt, nhiều hộ khác trong xã đã chủ động mở rộng diện tích trồng chè. Có hộ đã tự đầu tư mua máy sao chè để sao dịch vụ cho bà con.
Vào thời điểm chè xuân, mỗi tháng gia đình ông Nguyện hái được 3 đến 4 lần. Chưa hạch toán kinh tế, ông Nguyện chỉ biết 1kg chè khô bán giá 150 nghìn đồng, mỗi tháng ông có vài chục cân chè khô bán cho khách. Thu nhập từ chè đã giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong xã chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Nhận thấy thế mạnh từ cây chè, Đảng bộ xã Linh Phú đã quyết tâm đưa cây chè trở thành cây trồng thế mạnh của xã. Năm 2016, xã đã xây dựng dự án phát triển cây chè với những mục tiêu, lộ trình cụ thể trong từng năm, đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho người trồng chè. Trong đó, năm 2017 xã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã Chè Pà Thẻn. Đây được kỳ vọng là đầu mối quan trọng để hương chè Pà Thẻn ở Linh Phú cất cánh cùng với các thương hiệu chè nức tiếng của cả nước.
Từng bước xây dựng thương hiệu
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú Phan Thị Nguyệt chia sẻ: Xã Linh Phú có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu thuận lợi cho cây chè phát triển. Nhiệt độ, ẩm độ thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, người dân có truyền thống trồng chè từ lâu đời.
Diện tích, sản phẩm chè trên địa bàn xã có khả năng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho nhiều hộ dân trong xã. Vì vậy yêu cầu cấp thiết là xã phải làm thế nào để tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, giảm hộ nghèo và tạo điều kiện cho các hộ dân có khả năng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ xã Linh Phú (Chiêm Hóa) rà soát diện tích chè của nhân dân.
Đến năm 2017 diện tích chè của toàn xã là 26,9 ha, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 7 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng 35 tấn/năm. Diện tích chè trồng mới là 4,7 ha. Giá bán 1 kg chè khô từ 150.000 - 200.000 đồng. Mục tiêu cụ thể mà xã đề ra trong giai đoạn 2017-2021 là quy mô sản xuất 77,7 ha chè, trong đó đầu tư trồng mới 50,8 ha; thâm canh trên diện tích 26,9 ha chè hiện có. Đến năm 2025 ổn định quy mô sản xuất trên 70 ha, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha, tổng thu đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Là người tâm huyết với cây chè của địa phương, anh Lương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè Pà Thẻn cho biết, dù mới được thành lập, nhưng Hợp tác xã đang triển khai xây dựng nhà xưởng chế biến chè với diện tích trên 500 m2, công suất 1 - 3 tấn chè búp tươi/ngày. Đồng thời lắp đặt dây chuyền chế biến chè gồm máy sao, máy vò, máy sấy... với công suất 1 tấn/ngày trong năm nay và phấn đấu nâng công suất lên 3 tấn/ngày vào năm 2019, triển khai các bước để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Chè Pà Thẻn.
Ngoài ra, Hợp tác xã cũng đã có kế hoạch mời các chuyên gia, kỹ sư đến tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè. Với việc đi vào hoạt động của Hợp tác xã thì đầu vào, đầu ra cho sản phẩm chè của bà con sẽ được bao tiêu hoàn toàn, nhân dân yên tâm khi mở rộng diện tích trồng chè.
Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng sự hăng hái của nhân dân, cây chè ở Linh Phú đã mang đến tín hiệu mới cho khát vọng xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất vốn còn nhiều khó khăn này.
Gửi phản hồi