Trạm kiểm soát dịch tả lợn Châu phi liên xã Kiên Đài - Bình Phú.
Xã Kiên Đài hiện có trên 2.000 con lợn, chủ yếu chăn nuôi nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở một số địa phương trong huyện, UBND xã Kiên Đài tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn và vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện "5 không” không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đồng thời, chỉ đạo các thôn bản tổ chức họp thôn tuyên truyền để người chăn nuôi biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; phổ biến các biện pháp trong phòng, chống dịch; nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống cho đàn gia súc, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch động vật; phối hợp với UBND xã Bình Phú lập trạm kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi liên xã Kiên Đài - Bình Phú với nhiệm vụ trực trạm nhằm kiểm tra, giám sát, không để các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch ở nơi khác vào địa bàn xã; thành lập tổ cơ động phản ứng nhanh để phục vụ công tác chống dịch khi có dịch xảy ra. Theo đó, xã Kiên Đài được Trạm Thú Y huyện cấp cho gần 40 lít thuốc sát trùng VETVACO-IODINE, ngoài ra các hộ chăn nuôi ở 13/13 thôn đã chủ động mua vôi bột để chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Cán bộ Văn hóa xã Kiên Đài tuyên truyền dịch tả lợn Châu Phi bằng loa lưu động.
Từ nhiều ngày qua, đều đặn 2 lượt mỗi ngày, anh Ma Văn Quân, cán bộ công chức Văn hóa - xã hội, thành viên tổ cơ động phản ửng nhanh của xã Kiên Đài cùng với chiếc xe máy và 01 chiếc loa kéo đi tuyền truyền lưu động khắp các thôn bản, qua đó giúp nhân dân đặc biệt là các hộ chăn nuôi lợn ở các khu dân cư cách dấu hiệu nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi; cách phòng, chống bệnh dịch…
Chị Hoàng Thị Lạ vệ sinh khu vực giết mổ thịt lợn của gia đình.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thú y xã cùng với tổ cơ động phản ứng nhanh thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc hướng dẫn người dân giám sát, tố giác với cơ quan chức năng các hành vi giấu dịch (nếu có dịch xảy ra), bán chạy, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi chú ý khâu sát trùng, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ chuồng trại cả bên trong và bên ngoài, lối đi vào chuồng trại chăn nuôi, hạn chế tối đa người lạ vào khu vực chăn nuôi; tuyên truyền các hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh dịch này. Theo thống kê, trên địa bàn xã Kiên Đài có 04 điểm giết mổ thịt lợn nhỏ, lẻ, hầu hết các điểm giết mổ này đều có ý thức trong việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình trước và sau khi giết mổ cũng như bảo đảm an toàn cho sản phẩm thịt lợn cung ứng đến tay người tiêu dùng. Điểm giết mổ thịt lợn của gia đình chị Hoàng Thị Lạ ở thôn Bản Tai là một trong 4 điểm cung cấp sản phẩm thịt lợn khá lớn cho nhân dân trong vùng, bình quân mỗi ngày bán từ 60kg sản phẩm thịt lợn trở lên. Trước đó, gia đình chị thường thu mua lợn hơi cả trong và ngoài xã, nhưng từ khi nghe thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình chị đã ngừng việc thu mua ở bên ngoài mà chỉ thu mua của các hộ chăn nuôi ở địa phương.
Với tinh thần chủ động tích cực trong công tác tuyên truyền của địa phương, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhập được vào địa bàn xã. Tuy nhiên, không chủ quan trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thời gian tới, xã Kiên Đài sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh thú y, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để kịp thời tổ chức chống dịch có hiệu quả khi có dịch, hạn chế tối đa những tổn thất do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra./.
Gửi phản hồi