Trước đây, gia đình ông Hà Văn Mận thôn Bản Vả chỉ chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất, cuối năm 2020 gia đình ông đã xây dựng lại hệ thống chuồng chăn nuôi để nuôi trâu nhốt sinh sản với số lượng từ 7 đến 10 con. Khi xã triển khai mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hướng hàng hóa, được ký kết hợp đồng đầu ra ổn định, ông đã xây lại hệ thống máng ăn, hệ thống nước tự động, chuồng trại thông thoáng, được cán bộ hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật sẽ góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Các hộ dân ký kết thực hiện mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học tại xã Kiên Đài.
Đồng chí Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài, cho biết, trên địa bàn xã có 1.498 con trâu, bò. Năm 2021, xã triển khai thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi, liên kết chuỗi giữa Hợp tác xã với các hộ chăn nuôi theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra sẽ giúp cho người dân yên tâm chăn nuôi, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, giúp các hộ tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học là mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân có sự giám sát của cán bộ kỹ thuật. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cung cấp trâu, bò đủ tiêu chuẩn, tổ chức tập huấn kỹ thuật làm chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, cách ủ thức ăn cho trâu, bò…; cân trọng lượng của từng con, đánh số tai theo dõi bàn giao cho các hộ của tổ hợp tác. Sau thời gian nuôi từ 3 tháng, Hợp tác xã tiến hành cân nhập số trâu đã ký kết. Sự chênh lệch trọng lượng giao và nhận là nguồn lợi của bà con được hưởng trong liên kết này.
Mô hình thực hiện có hiệu quả giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đây là mô hình góp phần thay đổi cách chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại xã Kiên Đài./.
Gửi phản hồi