Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Phạm Văn Cầu cho biết, 8 thôn vùng Hải Hà hầu như nhà nào cũng trồng nhãn, nhà trồng nhiều tới hàng trăm cây. Cây nhãn đem lại lợi ích kinh tế khá cao so với các loại cây trồng khác. Tính theo giá thị trường hiện tại là 16.000 đồng/kg nhãn quả, trung bình mỗi cây nhãn có thể cho từ 2 - 3 tạ quả, thu nhập từ mỗi cây nhãn từ 3 - 4 triệu đồng/năm, có cây nhãn cổ thụ mỗi vụ cho thu được cả chục triệu đồng.
Ông Dương Đức Huệ, thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang thu hoạch nhãn giống mới của gia đình.
Cùng anh Phạm Văn Thước, Phó trưởng thôn Tiên Hóa 1, chúng tôi tới thăm vườn nhãn và tìm hiểu cách làm long nhãn của gia đình ông Dương Đức Huệ. Ông Huệ có thâm niên làm nghề long nhãn trên 20 năm. Khu vườn diện tích trên 1.000 m2 của gia đình ông Huệ trồng kín nhãn, có cây cổ thụ vài chục năm tuổi, cũng có cây mới trồng được 3 - 4 năm, cây nào cây ấy quả sai trĩu cành. Theo ông Huệ thì giống nhãn mới bây giờ cho quả to, năng suất hơn khá nhiều giống nhãn cũ trước đây các cụ trồng vì vậy ông Huệ đang dần cải tạo giống nhãn mới trong vườn nhà. Giống mới ghép cành, cây sinh trưởng khỏe, xanh tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại, chỉ sau 2 năm là đã có quả, một số cây trong vườn nhà ông Huệ 3 - 4 tuổi đã cho thu từ 70 kg đến 1 tạ quả mỗi năm. Năm nay, vườn nhãn với hơn 1.000 m2 của gia đình ông Huệ đã cho thu nhập lên tới 50 triệu đồng/năm.
Vào mùa nhãn, sân nhà ông Huệ lúc nào cũng chật kín người làm, để đảm bảo đủ số long nhãn cho 2 lò sấy thì phải thường xuyên duy trì vào khoảng 30 người bóc nhãn, 5 người chuyên đi thu hoạch, thu mua nhãn từ các nơi mang về. Hiện trên địa bàn xã Vinh Quang có tổng cộng 55 hộ làm long nhãn như nhà ông Huệ phân bố ở 8 thôn nhưng đông nhất vẫn là thôn Tiên Hóa 1 với 20 hộ. Như vậy, mỗi năm có khoảng 2.000 lao động tham gia làm long nhãn trong khoảng thời gian trên 1 tháng. Thực tế số nhân công trong xã không đủ phải huy động thêm nhân công từ các xã khác quanh vùng.
Ông Huệ cho biết, trước đây, các hộ làm long nhãn theo cách sấy nhãn nguyên quả tươi cho khô rồi bóc vỏ lấy phần cùi đã khô thành long nhãn. Mấy năm gần đây, cách làm long nhãn đã được thay đổi. Quả tươi mang về được bóc lấy cùi, người bóc phải khéo léo dùng mũi dao nhỏ có hình trôn ốc “xoáy cùi” sao cho không bị rách cùi, sau đó cho cùi vào lò sấy. Lò sấy long, phía dưới là lò đốt, phần trên được ngăn cách bởi tấm bê tông chịu nhiệt. Hơi nóng từ tấm bê tông bốc lên sẽ làm khô long nhãn trong các vỉ chứa. Sau khoảng 24 giờ thì xong được một mẻ sấy. Cách làm long nhãn mới cho chất lượng long nhãn cao hơn cách làm cũ, long nhãn không bị ám vị chát của hạt và vỏ, có màu trắng chứ không bị chuyển màu đỏ như trước do vậy giá bán cũng cao hơn hẳn. Nếu như cách làm trước giá bán long nhãn theo cách làm cũ chỉ vào khoảng 120.000 đồng/kg thì long nhãn cách làm mới được 180.000 đồng/kg. Năng suất của lò cũng được nâng lên, cách cũ chỉ được khoảng 3 đến 4 tạ quả/lò thì nay có thể từ 7 tạ đến 1 tấn/lò.
Làm long nhãn thì khâu mất nhiều công nhất chính là khâu “xoáy cùi”. Người làm chậm một ngày có thể làm được 30 kg quả tươi, người làm nhanh có thể làm được 60 kg. Mỗi kg quả tươi sau khi bóc được trả công là 5.000 đồng/kg vì vậy một ngày công thấp thì cũng được 150.000 đồng/ngày, cao thì 300.000 đồng/ngày. Công việc “xoáy cùi” thu hút rất đông lao động nhàn rỗi.
Theo anh Pham Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, nghề làm long nhãn góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Tuy chỉ duy trì trong vòng thời gian hơn 1 tháng nhưng thu hút được rất nhiều lao động tham gia. Sau mỗi vụ, 1 lò sấy đạt được khoảng 7 tạ long nhãn khô, với 55 hộ, mỗi hộ 2 lò thì một năm xã Vinh Quang có 77 tấn sản phẩm long nhãn và với giá bán là 180.000 đồng/kg, mỗi năm người làm long nhãn ở đây thu được hàng chục tỷ đồng. Để tăng giá trị của long nhãn Vinh Quang, UBND xã đang triển khai xây dựng Đề án đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm long nhãn Vinh Quang. Trong thời gian tới, xã sẽ có đề xuất và phối hợp với huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ triển khai thực hiện.
Gửi phản hồi