Tranh thủ thời tiết thuận lợi, lựa chọn thời điểm cây Sơn cho mủ nhiều nhất chị Hà Thị Trang, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ đang cùng các thành viên trong gia đình mình tập trung nhân lực để khai thác. Làm sơn lãi lớn, dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều nhưng đổi lại đòi hỏi người làm sơn phải chịu khó bởi khai thác nhựa sơn phải vào ban đêm, ban ngày có ánh nắng mặt trời, mủ sơn sẽ đông cứng, cây sơn không cho nhựa. Hơn nữa, có người không hợp với sơn dễ bị dị ứng, dân gian còn gọi là sơn ăn. Hiện nay, toàn bộ diện tích Sơn 5 năm tuổi của gia đình chị Trang cho nguồn thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Hà Thị Trang, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ thu hoạch mủ sơn.
Chị Đặng Thị Ghến, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hùng Mỹ cho biết: Hội LHPN xã Hùng Mỹ hiện có hơn 900 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 14 cơ sở hội. Để trang bị kiến thức cho hội viên và người dân, Hội liên hiệp phụ nữ xã Hùng Mỹ phối hợp với khuyến nông mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, hội còn khuyến khích hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội phụ nữ tại các chi hội đã linh hoạt, sáng tạo trong cách phân tích, khuyến khích người dân hưởng ứng. Không chỉ ở các lớp tập huấn, mà các chị còn gương mẫu thực hiện, lấy năng suất và hiệu quả để thuyết phục hội viên và người dân tham gia thực hiện.
Thực hiện việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Chiêm Hóa đã Phối hợp với UBND các xã và khuyến nông mở 12 lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho 385 chị em phụ nữ. Song song với đó, Hội phụ nữ các xã, thị trấn tích cực phối hợp triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn và mô hình mẫu thâm canh tăng năng suất, các mô hình, dự án; ngân hàng bò, sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ quay vòng, quỹ hỗ trợ. Trong đó riêng Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Tuyên Quang triển khai tại huyện có tổng dư nợ và huy động tiết kiệm được trên 2,2 tỷ đồng.
Hội viên phụ nữ xã Xuân Quang trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản.
Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chiêm Hóa cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Hội đã xây dưng được 26 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 80-150 triệu đồng trở lên. Các mô hình kinh tế tập trung chủ yếu về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, nuôi cá, dịch vụ khung nhôm kính, may rèm cửa, mô hình trồng cây ăn quả, máy xay xát... điển hình có mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Hà Thị Nhiệm, thôn An Phú, xã Tân An với 30 con lợn nái, trên 400 con lợn thịt mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng; gia đình chị Quan Thị Nìu, thôn Bản Chẳng, xã Tân Mỹ với mô hình tổng hợp mỗi năm cho thu nhập trên 180 triệu đồng trở lên...Trong năm, Hội tiếp tục tuyên truyền vận động gia đình hội viên phụ nữ thực hiện có hiệu quả mô hình vườn rau sạch, đảm bảo cung cấp nguồn rau xanh sạch, chất lượng cho hộ gia đình. Từ khi triển khai đến nay có trên 2.000 hộ hội viên duy trì hơn 18 ha rau các loại, điển hình trong công tác này có xã phúc Thịnh, Hòa Phú, Minh Quang, Vinh Quang, Tân An, Yên Nguyên...
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho hội viên phụ nữ và người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh công cuộc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương./
Gửi phản hồi