Chị Đặng Thị Mai, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chiêm Hóa cho biết, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu, tập trung vào các sản phẩm mía, lạc, chuối, chè... Dự kiến năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 1.005 tỷ đồng.
Để thu hút đầu tư, huyện Chiêm Hóa tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp An Thịnh trên địa bàn xã Phúc Thịnh với diện tích 78 ha, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may - da giày và một số ngành tiểu thủ công nghiệp. UBND huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định. Để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp từ khai thác, chế biến khoáng sản sang công nghiệp chế biến nông lâm sản, huyện Chiêm Hóa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy, công ty. Đến nay, huyện đã phát triển 44.700 ha rừng sản xuất. UBND huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp lựa chọn đưa cây giống mới có năng suất, chất lượng tốt, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa để cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Công nhân Công ty TNHH Sao Việt, cụm công nghiệp An Thịnh sản xuất gỗ ván bóc.
Là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản tại cụm công nghiệp An Thịnh, anh Vũ Hải, Giám đốc công ty TNHH Thuận Gia Thành cho biết, sản phẩm chính của công ty là gỗ ván ép công nghiệp. Trước đây hoạt động sản xuất của công ty phải cầm chừng vì thiếu nguyên liệu thì hiện nay, mỗi tháng công ty xuất bán được 700 m3 gỗ, năm nay công ty phấn đấu sản xuất khoảng 7.000 m3 ván ép công nghiệp.
Công ty TNHH Sao Việt chuyên thu mua, chế biến, bảo quản hàng nông sản. Hiện nay, công ty đang tìm hướng đầu tư hệ thống máy móc để sản xuất và chế biến lâm sản như gỗ băm dăm và gỗ ván bóc nhằm tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Chị Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty cho biết, để đảm bảo việc thu mua kịp tiến độ và chế biến, bảo quản được tốt, công ty đầu tư đủ hệ thống máy móc từ máy bóc vỏ lạc, máy sấy, máy tẽ ngô và đã tiến hành xây dựng bể chứa bảo quản hàng nông sản. Ngay từ đầu năm, công ty đã ký hợp đồng sản xuất với người dân, cung cấp giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, cung cấp hàng hóa cho nhà máy.
Hiện nay, huyện Chiêm Hóa đã thu hút Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp An Thịnh, tổng diện tích là trên 29.000 m2. Các cơ quan chức năng của huyện đang tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, sản xuất. Với thế mạnh về lâm nghiệp, mỗi năm huyện Chiêm Hóa trồng mới trên 2.000 ha, khai thác 115.000 m3 gỗ phục vụ cho các nhà máy chế biến lâm sản.
Ngoài tập trung vào phát triển các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm sản, hiện UBND huyện Chiêm Hóa khuyến khích các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, nâng công suất sản xuất của nhà máy gạch Hồng Đăng, sản xuất gạch không nung của Hợp tác xã thủ công nghiệp Sửu Hùng và một số cơ sở theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra định kỳ việc xử lý chất thải tại các nhà máy sản xuất công nghiệp tại cụm công nghiệp An Thịnh, bảo đảm môi trường sống an toàn cho nhân dân.
Gửi phản hồi