Người dân thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi trước khi tái đàn.
Tại các xã Thành Long, Đức Ninh, Minh Dân, Yên Lâm và thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) sau nhiều tháng kiểm soát được dịch, đầu tháng 11 vừa qua DTLCP tái phát trở lại. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, tại các thôn Chẽ, Lập Thành, Lĩnh, dịch đã tái phát. Dịch tái phát chủ yếu trên đàn lợn nái đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chăn nuôi của bà con.
Tại huyện Sơn Dương, thời điểm này cũng ghi nhận kỷ lục tái phát ổ dịch với 18 xã, tương đương với thời kỳ dịch bệnh bùng phát đỉnh điểm. Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định, qua theo dõi DTLCP xuất hiện trở lại trong thời gian vừa qua hầu hết xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng từ 1 - 5 con/hộ. Lo ngại ở chỗ diện lại rất rộng, theo tổng hợp đã có 81 xã xuất hiện ổ dịch, thuộc 7/7 huyện, thành phố, số lợn phải tiêu hủy lên gần 372,1 tấn. Điều này cho thấy dịch đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan ra toàn địa bàn. Ông Thảo lo ngại, tổng đàn lợn của tỉnh đang ở mức cao nhất, trên 500 nghìn con phục vụ nhu cầu thực phẩm trước, trong, sau Tết nếu không kiểm soát dịch nghiêm ngặt tổn thất sẽ rất lớn.
Nguyên nhân, theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, là do việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn từ vùng có dịch sang vùng không có dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, người dân chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; chưa xây dựng được vùng, cơ sở an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặt khác thời tiết thay đổi bất thường làm suy giảm sức đề kháng của gia súc, tạo điều kiện cho vi rút phát sinh, phát triển thành dịch bệnh...
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc làm việc với các huyện trong tháng 10 vừa qua đã chỉ ra rằng, mặc dù tỉnh thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhưng dịch bệnh vẫn xâm nhập và tái phát. Điều này cho thấy, khâu kiểm soát vận chuyển, mua bán, giết mổ ngay tại địa phương còn nhiều kẽ hở, thiếu quyết liệt. Tình trạng thu mua lợn ốm, lợn bệnh vẫn tồn tại, đây là nguyên nhân chính khiến mọi nỗ lực của tỉnh trong việc khống chế, ngăn chặn DTLCP gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, DTLCP tái bùng phát ở xã Nhữ Hán (Yên Sơn). Vì lợi nhuận, 1 số cá nhân ở ngoài xã đã vào thu mua lợn có dấu hiệu bỏ ăn với giá rẻ để vận chuyển đưa đi tiêu thụ.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn.
Trước vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn khẳng định, huyện yêu cầu UBND xã Nhữ Hán nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng 1 số đối tượng vào thu mua lợn có dấu hiệu bất thường hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Trước tình trạng DTLCP tái phát trên diện rộng như hiện nay, ngày 16-11, UBND tỉnh đã có văn bản tập trung chỉ đạo kiểm soát DTLCP trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, nhất là tại các địa phương thường xuyên tái phát dịch, dịch kéo dài triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan; tổ chức triển khai và giám sát các hộ chăn nuôi, trang trại thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và
Thủy sản phân bổ khẩn trương lượng hóa chất, sát trùng để các địa phương phòng dịch. Các đơn vị Công an, Quản lý thị trường phối hợp với các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp, không để tình trạng thu mua lợn ốm, chết trên địa bàn quản lý, dẫn đến lây lan bệnh dịch.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định, DTLCP chưa có vắc xin phòng và điều trị bệnh, giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: con giống sạch bệnh, chế độ chăm sóc đủ dinh dưỡng; vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên để ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh.
Gửi phản hồi