Cán bộ tổ kiểm soát Trạm kiểm dịch động vật Đèo Khế, xã Hợp Thành (Sơn Dương) phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện đi vào địa bàn huyện Sơn Dương. |
Nguy hiểm nhưng không lây sang người
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan rất nhanh trên cả lợn nhà và lợn hoang dã, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Con lợn sau khi khỏi bệnh lâm sàng vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường, tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông. Nhiệt độ càng lạnh thì vi rút gây bệnh càng tồn tại lâu.
Cơ chế lây bệnh DTLCP qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang virut, côn trùng. Biểu hiện lợn mắc bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Lo ngại nhất hiện nay là trên thế giới chưa có vắc xin và thuốc điều trị DTLCP.
Người dân xã Đội Bình (Yên Sơn) rắc vôi vệ sinh |
Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát đi thông báo, DTLCP rất nguy hiểm trên đàn lợn, tốc độ bệnh lây lan rất nhanh; bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ lợn nhiễm bệnh chết cao lên đến 100%. Đã có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có ổ dịch, tại Việt Nam đến ngày 14-3, đã có 17 tỉnh, thành phố đã xuất hiện ổ DTLCP, với hàng nghìn con lợn nhiễm bệnh đã phải đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, DTLCP hoàn toàn không lây sang người. Kết quả kiểm tra, theo dõi những người sau khi tham gia xử lý các ổ dịch vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Thực tế việc giao thương hàng hóa, đặc biệt là lợn thịt và sản phẩm thịt lợn giữa tỉnh ta với các tỉnh miền xuôi và các tỉnh biên giới rất lớn. Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trung bình mỗi tháng các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi xuất chuồng khoảng 4.000 tấn lợn thịt vào thị trường nội, ngoại tỉnh và xuất khẩu. Ngành chăn nuôi của tỉnh chưa chủ động được con giống, nhất là lợn giống. Kiểm soát dịch bệnh, tâm lý chủ quan không tiêm phòng cho đàn lợn thịt của người chăn nuôi vẫn còn hạn chế. Hơn nữa trên địa bàn tỉnh vi rút dịch tả lợn cổ điển vẫn lưu hành, chưa kiểm soát được triệt để.
Quyết liệt vào cuộc
Ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP. Ngày 4-3, UBND tỉnh có Công văn yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách, ngăn chặn khống chế DTLCP. Mục tiêu và yêu cầu đặt ra là chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả không để bệnh dịch lan rộng gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, ứng phó với dịch chi cục đã phân công cán bộ thú y nằm vùng tại địa bàn giáp ranh, các địa phương có đàn lợn lớn… để hỗ trợ đội ngũ thú y viên giám sát tình hình bệnh dịch và triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm khi phát hiện lợn chết không rõ nguyên nhân. Chi cục cũng đã chủ động 1.000 lít thuốc khử trùng, trong đó 300 lít tại văn phòng, mỗi huyện, thành phố 100 lít sẵn sàng thực hiện phun vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại những điểm chợ, cơ sở giết mổ, điểm giáp ranh…
Các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Huyện Sơn Dương có đàn lợn lớn nhất tỉnh khoảng trên 171 nghìn con, chiếm gần 1/3 tổng đàn lợn của tỉnh và giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện ổ dịch, đang triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách ngăn ngừa dịch xâm nhập vào địa bàn như: Kiểm tra, kiểm soát, phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện và cấm phương tiện vận chuyển lợn vùng dịch đi vào địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại chăn nuôi hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh giám sát đàn lợn tại trang trại chăn nuôi lợn Tuấn Oanh, tổ 14, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). |
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổ trưởng tổ kiểm dịch động vật trạm kiểm dịch Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, từ ngày 9-3 tổ công tác túc trực 24/24 giờ kiểm soát, phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện đi vào huyện. Riêng đối với những phương tiện vận chuyển động vật, đặc biệt là lợn, nếu không có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng sẽ bị cấm đi vào địa bàn. Ngày 10-3, xe tải biển kiểm soát 22C 01841 do Vũ Văn Vinh, trú tại thành phố Tuyên Quang, chở 20 con lợn từ tỉnh Vĩnh Phúc đã bị cấm không đi vào địa bàn. Lý do là không có giấy kiểm dịch động vật của ngành chuyên môn.
Để bảo vệ đàn lợn, thời điểm này ông Nguyễn Văn Sung, chủ trang trại chăn nuôi thôn Rộc, xã Hợp Thành (Sơn Dương) không cho bất kỳ người, phương tiện lạ vào khu vực chăn nuôi; nhân viên chăm sóc đàn lợn của gia đình ông được trang bị kiến thức phòng dịch; chuồng trại và khu vực xung quanh đều được rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng 1 lần/ngày.
Trước “cơn bão” DTLCP lan rộng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngành Thú y thành phố Tuyên Quang tăng cường công tác kiểm soát trước và sau khi giết mổ gia súc, đặc biệt là lợn thịt. Lò mổ gia súc Tân Hà (TP Tuyên Quang) trung bình mỗi ngày giết thịt khoảng 200 con lợn cung ứng vào thị trường trong và ngoài thành phố. Ông Trần Hải Nam, Trạm trưởng trạm Thú y thành phố Tuyên Quang khẳng định, lợn trước khi đưa vào lò mổ đều được cán bộ thú y kiểm dịch, trường hợp không đảm bảo vệ sinh thú sẽ bị tiêu hủy theo đúng quy định.
Đến thời điểm này đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, người chăn nuôi và người dân không nên hoang mang, không nên bán chạy lợn khi chưa đến tuổi xuất chuồng; chủ động phòng bệnh bằng cách rắc vôi bột các lối ra vào chuồng nuôi; kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và cần mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.
Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm thừa chưa được xử lý qua nhiệt làm thức ăn cho lợn, bởi vi rút bệnh tả tồn tại trong một số sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến làm bệnh lan rộng, gây khó khăn trong kiểm soát. Thực hiện nghiêm túc “5 không” (không giấu dịch; không bán chạy gia súc bị bệnh; không vận chuyển gia súc mắc bệnh ra ngoài vùng dịch; không ăn thịt gia súc mắc bệnh; không vứt xác gia súc ốm chết ra môi trường) nhằm kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất bệnh dịch lây lan, sớm ổn định tình hình chăn nuôi.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
Ông Nguyễn Đức Dân, Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang: Cục đã tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, các cơ quan có liên quan kiểm soát tại 3 trạm kiểm dịch, gồm: Đèo Khế, xã Hợp Thành và Sơn Nam (Sơn Dương), trạm kiểm dịch tại km 71 đường Tuyên Quang - Hà Giang. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện những trường hợp kinh doanh, vận chuyển lợn, thịt lợn trái quy định, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Thế Duy, Chủ tịch UBND xã Đội Bình (Yên Sơn): Xã Đội Bình giáp với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) có Quốc lộ 2 đi qua với nhiều phương tiện vận tải lưu thông qua địa bàn nên nguy cơ đàn lợn lây DTLCP là rất lớn. Để phòng tránh dịch bệnh, UBND xã tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh khu vực chăn nuôi, tiêm đủ vắc xin phòng các bệnh dịch nguy hiểm cho đàn lợn. Đồng thời tổ chức cho người chăn nuôi rắc vôi, phun thuốc sát trùng, tiêu diệt mầm bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ cơ chế lây lan của DTLCP để chủ động các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Bà Trần Thị Quý, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang): Gia đình tôi thường mua thịt lợn chế biến cho các bữa ăn hàng ngày. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi thường đến các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, uy tín để mua thịt lợn. Tôi được biết DTLCP không lây sang người mà tại Tuyên Quang chưa xuất hiện dịch nên gia đình vẫn sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn. Theo tôi, mỗi người phải nắm rõ thông tin, nâng cao hiểu biết để tránh tình trạng tẩy chay thịt lợn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người chăn nuôi. Ông Phạm Văn Bỉnh, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa): Gia đình tôi nuôi lợn với quy mô 100 con/lứa. Ngay từ khi có thông tin DTLCP bùng phát, gia đình tôi đã thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 5 ngày/lần quanh khu vực chuồng trại. Đồng thời, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng cho đàn lợn, nhất là lợn nái đẻ để tăng sức đề kháng. Gia đình thực hiện nghiêm sự hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền xã, cán bộ thú y trong công tác phòng dịch, bảo đảm không để dịch bệnh xảy ra. Bà Vũ Thị Hảo, tiểu thương tại chợ xã Đức Ninh (Hàm Yên): Gia đình tôi mổ lợn bán tại chợ xã Đức Ninh (Hàm Yên) hơn 25 năm qua. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết DTLCP đã lây lan rất nhanh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, do đó mỗi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng dịch. Gia đình tôi mua lợn từ các hộ chăn nuôi không bị nhiễm bệnh, lợn được kiểm tra kỹ thể trạng, đảm bảo lợn khỏe mạnh. Được tuyên truyền tôi nắm được những dấu hiệu nhận biết của DTLCP để hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thịt lợn an toàn. |
Gửi phản hồi