Bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp
Bài 1: Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững
Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn với 504.404 ha, chiếm 92,1% tổng diện tích tự nhiên, Tuyên Quang đã quy hoạch, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa với các sản phẩm đa dạng, từ trồng trọt đến chăn nuôi.
Vùng hàng hóa rộng lớn
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra năng suất và chất lượng giống lạc L14
tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Ảnh: D.L
Phát triển vùng lạc hàng hóa gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể, Chiêm Hóa hiện là địa phương có diện tích lạc lớn nhất tỉnh, gần 3 nghìn ha tập trung ở các xã: Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang... Thực hiện mục tiêu thay thế giống cũ, năng suất thấp bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao và ổn định, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với huyện hỗ trợ nông dân thực hiện gần 100 ha mô hình nhân giống lạc mới L26, L14... Từ kết quả mô hình, đến nay các địa phương trong vùng sản xuất lạc hàng hóa của huyện Chiêm Hóa đã tự trao đổi, nhân giống và mở rộng diện tích lên gần 1.000 ha, đồng thời thực hiện hỗ trợ 12 máy gieo lạc, 48 máy tuốt vặt củ lạc, kết quả đã giúp các hộ gia đình đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và thu hoạch lạc, giảm chi phí công lao động thủ công, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lạc.
Phúc Sơn là xã có diện tích cây lạc lớn nhất của huyện với gần 700 ha, sản lượng trên 2.200 tấn, giá trị thu được từ lạc mỗi năm đạt trên 39 tỷ đồng. Bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây lạc sinh trưởng thì để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn vận động nhân dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng năng suất lạc lên 33 tạ/ha. Hiện nay, xã đã thành lập 2 tổ phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với 45 hộ tham gia.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra năng suất và chất lượng giống lạc L14
tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Ảnh: D.L
Cùng với việc hình thành các hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, Chiêm Hóa đang khuyến khích các xã, các tổ chức, doanh nghiệp chế biến thêm các sản phẩm từ lạc, như sấy khô, chế biến tinh dầu lạc… vừa tạo thêm sản phẩm, vừa tăng thu nhập cho người nông dân.
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, nông nghiệp Tuyên Quang vài năm trở lại đây đã được quy hoạch tương đối bài bản, rõ ràng và mang tính ổn định, bền vững. Tỉnh đã hoàn thành các quy hoạch về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch được vùng sản xuất cam sành diện tích trên 8,8 nghìn ha, vùng chè diện tích 8,7 nghìn ha, vùng mía nguyên liệu diện tích trên 10 nghìn ha, vùng lạc diện tích trên 4,3 nghìn ha, điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng, với diện tích đất lâm nghiệp trên 448 nghìn ha; quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi trâu hàng hóa, chăn nuôi thủy sản…
Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 37 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, 18 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm đã từng bước khẳng định thương hiệu và được tôn vinh như chè Bát tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017”; bưởi Xuân Vân đứng Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018. Nhiều sản phẩm đã có mặt trên các sàn giao dịch, hệ thống siêu thị các tỉnh, thành phố lớn. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài như sản phẩm chè khô xuất khẩu vào các thị trường Nga, Pakistan, Đài Loan và một số nước Châu Âu, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Châu Âu. Đây là điều kiện quan trọng để nông sản Tuyên Quang tiếp cận các thị trường khó tính và có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn của cả nước.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Việt, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, điều kiện tiên quyết là phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Theo thống kê, hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng 50 doanh nghiệp trong tổng số gần 1.470 doanh nghiệp đang hoạt động. Tỉnh cũng mời gọi, thu hút 24 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản với tổng số vốn cam kết đầu tư trên 5.766 tỷ đồng, trong đó một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư tổ hợp sản xuất giống, quy mô 60 nghìn gà bố mẹ, 4,8 nghìn con lợn nái; Công ty cổ phần Hồ Toản đầu tư trang trại bò sữa, quy mô 1.000 con bò sữa non; Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam đầu tư Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất trên 200 nghìn tấn sản phẩm/năm; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Mới đây nhất, Tập đoàn TH Truemilk xin chủ trương đầu tư trang trại 2 nghìn con bò sữa và Nhà máy sữa công nghệ cao 300 tấn sản phẩm/ngày…
Trang trại bò sữa của Công ty bò sữa Việt Nam tại xã Phú Lâm (Yên Sơn).
Vì việc thu hút doanh nghiệp còn hạn chế, nên mục tiêu của ngành nông nghiệp hiện nay là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp đang rà soát lại hoạt động của 214 hợp tác xã nông lâm nghiệp, lựa chọn những hợp tác xã có đủ năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu trong và ngoài tỉnh thực hiện việc cung ứng, bao tiêu nông sản với người nông dân.
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, ngành nông nghiệp không đứng ngoài cuộc với các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại và đẩy mạnh quảng bá ra thị trường… Đồng thời, tập trung nghiên cứu thị trường, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo đúng nhu cầu, tránh được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dễ rơi vào “bẫy thị trường” như trước đây.
(còn nữa)
Gửi phản hồi