Dấu ấn từ công nghiệp chế biến nông lâm sản
Thống kê của ngành Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có một số nhà máy chế biến lâm sản lớn như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất tiêu thụ 600.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy/năm; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang nhu cầu nguyên liệu trên 210.000 tấn gỗ xẻ; Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) công suất 250 triệu tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang, công suất 7.500 tấn sản phẩm… Ngoài ra là 230 cơ sở chế biến gỗ vừa và nhỏ.
Một trong những doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất hiện sớm nhất trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, với Nhà máy chế biến Bột giấy và Giấy An Hòa. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, các sản phẩm của công ty như bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy hiện đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Banglades. Dự kiến cuối năm nay, công ty khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm, tạo thêm việc làm cho 300 lao động.
Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hiện là một trong số ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện đơn vị có 2 nhà máy chế biến tại Sơn Dương và Bình Xa (Hàm Yên), hàng năm có hợp đồng thu mua nguyên liệu với hơn 20 nghìn hộ trồng mía trên địa bàn. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, để tạo niềm tin cho người trồng mía, doanh nghiệp cam kết giá thu mua nguyên liệu là 900 đồng/kg cho nông dân ổn định trong 5 năm. Sau năm 2020, sẽ tiếp tục điều chỉnh theo giá thị trường. Ngoài các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, công ty cũng đã đầu tư trên 86 tỷ đồng trong niên vụ 2018 - 2019 để hỗ trợ người dân các vùng nguyên liệu thực hiện cung ứng giống phân bón, đầu tư sửa chữa đường giao thông nội đồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mía...
Dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn cao cấp của Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa.
Ông Ngô Tiến Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, sản phẩm của các nhà máy chế biến lâm sản không chỉ đóng góp trực tiếp vào giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, mà còn đóng góp rất lớn vào tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu. Hiện sản phẩm giấy in, giấy viết photo là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với các doanh nghiệp chế biến lâm sản là việc tiếp cận các thị trường khó tính còn hạn chế, như đối với thị trường Châu Âu, Mỹ có giá xuất khẩu cao nhưng đơn vị chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, chứng chỉ kỹ thuật để xuất khẩu. Mặt khác một số doanh nghiệp chưa thực sự chủ động nghiên cứu để thích ứng với thay đổi của thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường lao động, cung ứng nguyên vật liệu… Hiện ngành Công Thương cũng đang phối hợp với Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang hoàn thiện các tiêu chuẩn, chứng chỉ kỹ thuật để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Châu Âu, Mỹ với giá xuất khẩu cao hơn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Ngô Tiến Hà cũng cho rằng, trong khi công nghiệp chế biến lâm sản thu hút các doanh nghiệp lớn nhờ vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, thì các cơ sở chế biến nông sản còn tương đối nhỏ bé, quy mô hạn chế nên rất khó để mở rộng sản xuất. Mặt khác vùng nguyên liệu còn thiếu tập trung hoặc sản lượng chưa cao nên khó khăn trong việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiện tại công nghiệp chế biến nông sản chủ yếu tập trung vào sản phẩm chè, mía đường, các sản phẩm khác tương đối hạn chế, chủ yếu ở dạng chế biến thô và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Khuyến khích công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với các sản phẩm chủ yếu là gạch không nung, bê tông thương phẩm, tấm lợp tôn... phát triển tương đối mạnh. Trong đó, nhiều dự án phát triển gạch không nung như dự án của Công ty TNHH Tuấn Hưng (Sơn Dương) công suất 10 triệu viên/năm; dự án của Công ty TNHH Vĩnh An (Chiêm Hóa) công suất 3,5 triệu viên/năm; dự án của Công ty TNHH MTV Tiến Hằng (TP Tuyên Quang) công suất 3 triệu viên/năm; dự án của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thái Sơn (Hàm Yên) công suất 5 triệu viên/năm... Dự án sản xuất bê tông thương phẩm của Công ty cổ phần Công nghiệp Tuyên Quang, công suất 90 m3/giờ; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng xây dựng 3 dây chuyền bê tông xi măng công suất bình quân 80 m3/giờ, 1 trạm trộn bê tông Apphan công suất 100 tấn/giờ.
Dự án sản xuất tấm lợp tôn của Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) công suất 900.000 m2 tôn/năm; Công ty TNHH MTV Thép Linh Vũ (TP Tuyên Quang) công suất 200.000 m2 tôn/năm; Công ty TNHH MTV Thế Tuyết (Sơn Dương) công suất 100.000 m2 tôn/năm... Đặc biệt, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Bà Ứng Thu Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã thực hiện trên 20 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4 tỷ đồng.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.192 tỷ đồng thì sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XVI, giá trị này đạt 13.192 tỷ đồng vào năm 2017. Hết 9 tháng năm 2018 đạt 10.447 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2018 đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017 và tăng 2% so với kế hoạch năm 2018. Mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17.600 tỷ đồng.
Ông Ngô Tiến Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để đạt được kết quả này, giải pháp của ngành là thường xuyên theo dõi, nắm bắt, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất, phấn đấu đạt mức tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế: Chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, thủy điện... Trong đó, việc thu hút đầu tư chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Gửi phản hồi