Đến xã Trung Hòa, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân đang chẻ nan, phơi nan để phục vụ cho việc đan cót, một nghề đã được duy trì từ lâu trên địa bàn xã. Chị Nguyễn Thị Ánh, thôn Tham Kha, người đã mang nghề đan cót về địa phương cho biết, chị vốn là người con của thôn Hải Hà, xã Vinh Quang nơi có nghề cót lâu đời và nổi tiếng. Năm 1998, sau khi lấy chồng, chị đã đem nghề về nhà chồng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhận thấy công việc đan cót cho thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã học theo và duy trì nghề đến ngày hôm nay. Nguồn thu từ tiền bán cót giúp chị Ánh có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học.
Gia đình ông Trần Văn Chiến, thôn Tham Kha, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa)
miệt mài với công việc đan cót hằng ngày.
Để hoàn thành một tấm cót đẹp thì cây tre mai phải đạt những tiêu chuẩn như: Cây tre mai bánh tẻ (khoảng 1 năm tuổi) gióng dài, óng và đều nhau. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Đoàn Kết, chủ cơ sở thu mua cót nói, cót được chia thành 2 loại với nhiều kích thước, giá bán khác nhau. Cót dùng để chế biến đồ thủ công xuất khẩu phải đảm bảo kích thước nan 1,8 cm, trắng, không dính cật và bụng được thu mua với giá 35 nghìn đồng/tấm. Cót dùng trong xây dựng thì không quá cầu kỳ về mặt hình thức sẽ được thu mua từ 15 - 20 nghìn đồng/tấm. Hàng năm, anh ký hợp đồng thu mua với Nhà máy Ngọc Sơn (Hà Nam) để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Mỗi năm, gia đình anh thu mua gần 500 tấn hàng nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nhà máy.
Dù được coi là nghề phụ làm trong lúc nông nhàn nhưng nghề đan cót đã đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình ở địa phương. Bà Vũ Thị Đam (73 tuổi) và chồng là ông Trần Văn Chiến (85 tuổi) vẫn đan cót đều đặn hơn chục năm nay. Đã thành thói quen, hàng ngày hai ông bà mỗi người một việc như chẻ nan, phơi nan và đan thành phẩm. Bà Đam chia sẻ, công việc đan cót giúp bà có cuộc sống ổn định hơn mà không phụ thuộc vào con cái. Mỗi ngày, hai ông bà “túc tắc” cũng đan được từ 2-3 tấm, trừ chi phí nguyên liệu cho thu lãi khoảng 100 - 130 nghìn đồng. Dù số tiền không nhiều nhưng vẫn đủ cho ông bà sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Lý Đức Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà, nghề đan cót tuy không phải là nghề chính của người dân trong xã nhưng đã đem lại cho nhiều gia đình một nguồn thu nhập ổn định. Đối với nghề đan cót, trẻ con hay người già đều có thể tranh thủ thời gian rỗi để làm. Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp dành cho nguyên liệu làm cót chiếm khoảng 30% đất lâm nghiệp của xã, đó là điều kiện tốt để nghề đan cót phát triển rộng khắp. Mỗi năm toàn xã xuất bán khoảng 700 nghìn m2 cót, thu gần 7 tỷ đồng. Thời gian tới, để phát triển nghề đan cót, xã sẽ tìm kiếm và liên kết với các công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để chính người dân tạo ra được những sản phẩm hoàn thiện có giá trị kinh tế cao từ những tấm cót thô hiện tại.
Mong rằng, những chính sách và giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả của nghề đan cót sẽ sớm được thực hiện, để những tấm cót của người dân nơi đây sẽ làm ra được nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Gửi phản hồi