Mô hình kinh tế từ trồng nấm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường, xã Phúc Thịnh.
Gia đình anh Bùi Khánh Cường, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh đã sớm nhận thấy việc phát triển nấm an toàn sinh học có thể mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Năm 2009 gia đình anh Cường bắt đầu với với quy mô nhỏ. Sau thời gian tạo lập được số lượng khách hàng ổn định tại các thị trường, anh Cường đã nâng cấp nhà xưởng dần qua các năm. Mới đây, gia đình anh Cường đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ với mong muốn giúp thêm nhiều người dân phát triển nghề trồng nấm theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn. Đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn nhiều. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng thị trường, HTX tiếp tục đầu tư máy móc hỗ trợ trong các công đoạn: máy nghiền mùn gỗ, máy đóng phôi, đóng bịch nấm… Hiện tại mô hình sản xuất nấm của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tuấn Cường đã tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương.
Lãnh đạo xã Phúc Thịnh khảo sát, đánh giá mô hình sản xuất nấm an toàn sinh học trên địa bàn.
Theo ông Tạ Văn Ngữ, cán bộ phụ trách địa chính, nông lâm nghiệp xây dựng xã Phúc Thịnh, Sản phẩm Nấm của HTX nông nghiệp và dịch vụ Tuấn Cường đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài tiêu thụ sản phẩm ở địa phương, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và một số huyện lân cận, thị trường Hà Giang, Hà Nội…
Mô hình nấm an toàn sinh học của HTX nông nghiệp và dịch vụ Tuấn Cường được cơ quan chức năng đánh giá là mô hình có tiềm năng phát triển và nhân rộng tại các hộ gia đình để trở thành chuỗi liên kết. Qua đó giúp địa phương có nguồn cung ứng ổn định ra thị trường, tạo việc làm, đa dạng nguồn thu nhập cho người nông dân./.
Gửi phản hồi