Anh Phạm Văn Hoãn, thôn Tồng Moọc, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) chăm sóc thanh long.
Anh chọn chăn nuôi dê và trồng quế để phát triển kinh tế gia đình. Anh bỏ công đi tìm hiểu các mô hình nuôi dê dưới tán rừng tại Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai... Thế rồi, anh vay 70 triệu đồng mua 30 con dê sinh sản về nuôi, cải tạo 2 ha đất đồi để trồng quế. Sau mấy năm, đàn dê của gia đình anh đã tăng lên gần 200 con. Cây quế từ 2014 bắt đầu được thu hoạch, mỗi vụ thu hoạch vỏ quế anh có lãi trên 100 triệu đồng.
Có vốn, anh đầu tư mua 1 ha đất ruộng trồng các loại cây ăn lá và rau củ quả. Hướng tới thương hiệu rau sạch của gia đình, anh tự làm phân vi sinh bằng cách dùng cá ngâm kết hợp men, quả dứa, chuối tiêu ủ 2 tháng mang ra pha theo tỷ lệ 1 lít nước ngâm với 20 lít nước sạch phun theo chu kỳ 3 ngày 1 lần. Anh cho biết: Khác với nhiều hộ dùng thuốc bảo vệ thực vật vừa độc lại ô nhiễm môi trường thì cách làm này hoàn toàn sạch, không mùi, không gây ô nhiễm, cây trồng lại phát triển khỏe, không có sâu bệnh. Do vậy sản phẩm mướp, bí của gia đình được các siêu thị ở Hà Nội bao tiêu toàn bộ.
Anh Hoãn còn trồng 250 trụ thanh long ruột đỏ trên 5.000 m2 đất đồi cao vào cuối năm 2017. Tháng 9 năm nay, thanh long cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Thanh long được anh chăm bón phân hữu cơ, xử lý sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học nên thương lái đã bao tiêu toàn bộ với giá trên 50 triệu đồng. Anh Hoãn tính toán, năm nay anh sẽ bán 3 ha keo, cùng với thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi gia đình anh thu khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí anh thu lãi 350 triệu đồng.
Gửi phản hồi