Nơi đầu tiên chúng tôi đến là gia đình anh Nông Văn Công, thôn Gốc Chú. Ông Nông Văn Đường, bố anh Công cho biết anh vừa vào trang trại. Qua lời kể của ông, hình ảnh người con trai chịu thương chịu khó đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc dù chưa được gặp mặt. Sinh năm 1986, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau mỗi buổi học anh Công thường cùng bố lên nương, đi rừng. Quê hương với những triền đồi xanh ngát đã trở thành hình ảnh thân thương, gắn bó với anh từ đó. Ông Đường phấn khởi khoe: “Thằng Công giỏi lắm, trồng rừng, nuôi lợn, nuôi gà đều một tay nó làm hết, chúng tôi tuổi già, sức cạn rồi không giúp gì được cả. Mà hay ở chỗ, nó nuôi lợn toàn thả rông đến giờ ăn dùng kẻng gọi lợn về”.
Anh Hà Đức Tú, thôn Ba Hai với mô hình chăn nuôi thỏ.
Theo chân ông Đường, chúng tôi phải để xe và đi bộ lên 1 con dốc khá cao mới đến được nơi anh Công chăn nuôi. Thật may, đúng lúc anh đang trộn cám cho lợn ăn. Hệ thống chuồng chăn nuôi lợn của anh rộng hơn 300 m2. Anh nói, trước khi bắt tay vào làm kinh tế, anh đã lên kế hoạch nuôi con gì, trồng cây gì để tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc. Anh cũng tham khảo nhiều người đã có kinh nghiệm làm trước đó để áp dụng một cách hợp lý vào công việc của mình, vì vậy mà công việc của anh khá thuận lợi. Anh đi theo hướng chăn nuôi lợn lấy giống và lợn thịt.
Chuẩn bị xong thức ăn cho lợn, anh đánh đúng 10 tiếng kẻng để gọi lợn về. Anh nói, để lợn quen với tiếng kẻng, ngay từ nhỏ anh đã tập cho lợn thói quen sau khi nghe 10 tiếng kẻng sẽ được cho ăn. Thời gian tập luyện mất khoảng 1 tuần. Sau đó lợn được thả lên đồi phía sau của gia đình. Đến giờ ăn và đến tối mới về chuồng để ngủ. Nhìn đàn lợn hơn 100 con từ bé đến lớn kéo nhau về tập kết trước cửa chuồng đợi ăn trông thật ngộ nghĩnh.
Mỗi lứa lợn, anh thường xuất bán sau 3 tháng rưỡi. Số tiền thu về anh lại đầu tư thêm vào hệ thống chuồng trại và chăn nuôi gà. Nhìn đàn gà hơn 600 con của anh hiện tại không ai nghĩ đã có lúc anh bế tắc vì gà mắc dịch bệnh và chết hàng loạt. Đó là thất bại đầu tiên của anh, nhưng quyết không nhụt chí, anh tiếp tục dành hơn 50 triệu đồng đầu tư giống, phun thuốc, nâng cấp chuồng nuôi. Trời không phụ công, lần nuôi sau đàn gà của anh lớn nhanh, khỏe mạnh. Hằng năm, nhờ chăn nuôi lợn, gà mà anh thu về khoảng 800 triệu đồng.
Chia tay anh Công, tiếng kẻng vẫn cứ văng vẳng đâu đó. tiếng kẻng báo hiệu sự no ấm, đủ đầy vang lên giữa đại ngàn.
Anh Hà Đức Sỹ, Bí thư Đoàn xã cho biết, Nhân Lý hiện có 148 đoàn viên, thanh niên, trong đó nhiều người tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Họ không ngại khó, ngại khổ đã khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có để làm giàu cho gia đình. Để giúp đỡ các đoàn viên trong phát triển kinh tế, Đoàn xã đã thành lập các tổ, nhóm thanh niên giúp nhau làm kinh tế với những mô hình như trồng chuối, nuôi dê, nuôi thỏ… Họ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đoàn xã phân công các đồng chí ủy viên phụ trách các khu vực, tiến hành rà soát nhu cầu của từng đoàn viên nhằm phối hợp với xã, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đoàn viên thanh niên.
Anh Nông Văn Công, thôn Gốc Chú chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Như để khẳng định cho những gì mình nói, anh Sỹ đưa chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của anh Hà Đức Tú, sinh năm 1994, thôn Ba Hai. Hệ thống chuồng nuôi thỏ được anh Tú xây dựng kiên cố gồm 5 dãy, ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn để nuôi thỏ với kích thước mỗi ngăn khoảng 50 cm x 70 cm. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách mặt đất khoảng 50 - 60 cm. Hằng ngày, anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhằm tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Để bắt tay vào nuôi thỏ, anh Tú đã đi học hỏi kinh nghiệm tại những trang trại nuôi thỏ lớn ở Hà Nội, Hưng Yên. Anh Tú cho biết, để nuôi được thỏ không khó, chuồng trại đơn giản chỉ cần người chăn nuôi phải đam mê và am hiểu đặc tính của vật nuôi này. Do đó, chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, tránh mưa, gió lùa… Thỏ là loài chịu lạnh rất kém nên vào mùa đông cần giữ ấm. Đồng thời, chọn nơi yên tĩnh, xung quanh phải làm rào chắn để chống chuột, chó, mèo vào bắt thỏ. Thức ăn cho thỏ phải sạch và để ráo nước mới cho ăn, nếu không thỏ sẽ bị tiêu chảy.
Tháng 3 năm 2016, anh Tú bắt đầu nuôi thỏ, do còn thiếu kinh nghiệm nên 20 đôi thỏ giống của anh bị mắc bệnh tiêu chảy chết hết. Không buông xuôi, anh đã vệ sinh lại chuồng nuôi, 1 tháng sau anh tiếp tục nuôi 20 đôi thỏ giống. Giống thỏ anh Tú nuôi là thỏ Newzealand, giống có đặc điểm là: Trọng lượng từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành đều cao hơn giống thỏ địa phương. Sau khoảng 5 tháng tuổi thỏ đạt từ 3 - 4 kg/con. Đặc biệt, giống thỏ này có khả năng sinh sản khá cao, thỏ cái sau 5 - 6 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6 - 8 con. Sau 10 ngày, thỏ con mở mắt và tập ăn cùng mẹ, được 20 ngày thì có thể tách mẹ. Hiện nay, gia đình anh đã có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng từ bán thỏ giống.
Bước đầu thấy được mô hình nuôi thỏ của anh Tú mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều đoàn viên, thanh niên đã đến tham khảo và học tập quy trình chăm sóc. Anh Tú vui vẻ hướng dẫn, cung cấp giống tạo điều kiện bước đầu giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Anh Hoàng Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã luôn tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đoàn viên thanh niên. Hằng năm, ngoài việc hỗ trợ giải quyết nhiều hồ sơ vay vốn xã còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức rà soát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người dân tại địa phương để mở các lớp dạy nghề phù hợp nhằm phát huy được hiệu quả của các lớp dạy nghề.
Sự nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ đã giúp những đoàn viên, thanh niên xã Nhân Lý bước đầu có những thành quả đáng khâm phục. Thời gian tới, với sự hỗ trợ của địa phương, của những người đã thành công, hy vọng sức trẻ Nhân Lý sẽ mang đến một hơi thở mới cho vùng quê còn nhiều khó khăn./.
Gửi phản hồi