Ông Hà Tiến Châu (bên phải), thôn Làng Bục, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa)
cải tạo hơn 1 ha đất vườn tạp để trồng mía.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh Lê Mạnh Cường cho biết: Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp ít, chỉ khoảng trên 400 ha nên việc lựa chọn cây trồng gì cho phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao được Đảng ủy, chính quyền xã lựa chọn, bàn bạc kỹ lưỡng, trong đó xã chọn cây mía là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, diện tích mía của toàn xã không ngừng được mở rộng. Từ vài chục ha, đến nay xã đã phát triển được 261 ha. Sản lượng vụ ép mía năm 2015 toàn xã đạt 18.250 tấn, doanh thu từ trồng mía đạt trên 17,3 tỷ đồng. Tân Thịnh được đánh giá là địa phương đứng thứ 2 của huyện Chiêm Hóa về năng suất mía với 75 tấn/ha (năng suất trung bình toàn huyện đạt 64 tấn/ha).
Để khuyến khích các hộ dân phát triển cây mía, hằng năm xã mở các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật cho nhân dân. Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn duy tu bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn để cải tạo, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường vào các khu sản xuất.
Từ trồng mía, nhiều hộ nông dân ở Tân Thịnh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Hà Tiến Châu, thôn Làng Bục cho biết, khi xã có chủ trương phát triển cây mía, gia đình đã mạnh dạn đăng ký giống và cải tạo hệ thống vườn tạp của mình để trồng mía, hiện tại gia đình ông đã có trên 1 ha mía.
Từ trồng mía đã giúp cho gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Chủ chương phát triển cây mía của xã hoàn toàn hợp lòng dân, trở thành một hướng đi bền vững cho nhân dân thoát nghèo.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Cường chia sẻ, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn tới của xã chính là phát triển nông nghiệp hàng hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Theo đó, chương trình hành động của Đảng bộ xã đã xác định rõ là tập trung phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tạo thành chuỗi sản phẩm có thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của xã như cây mía, gỗ rừng trồng, phát triển chăn nuôi trâu, vận động nhân dân duy trì và mở rộng diện tích một số cây trồng khác như cam, đinh lăng, rau, đậu các loại, cây ớt xuất khẩu... Đồng thời, xã sẽ tiến hành quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn ở các thôn có truyền thống làm vụ đông đạt kết quả cao.
Xã phấn đấu đến năm 2020 sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 3,2 nghìn tấn; diện tích mía mở rộng lên 400 ha, sản lượng trên 30 nghìn tấn, tăng số lượng đàn trâu lên trên 1.100 con, ổn định diện tích rừng sản xuất là 672,62 ha.
Theo lộ trình, năm 2018 xã sẽ về đích xã nông thôn mới. Việc tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa đang hứa hẹn sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung ở Tân Thịnh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi