Tham gia lớp tập huấn hơn 50 học viên là cán bộ thú y, các hộ chăn nuôi trâu, bò tại các xã trên địa bàn huyện đã được cán bộ, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên truyền tải các nội dung chuyên sâu về bệnh sán lá gan như: Nguồn gốc, cách thức lây truyền, triệu chứng, các cách phòng trị bệnh sán lá gan. Các biện pháp xử lý phân trâu, bò hiệu quả gồm: Phương pháp ủ nổi, ủ chìm, ủ nguội, ủ nóng, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý…
Lớp tập huấn về kỹ thuật chẩn đoán phòng trị bệnh sán lá gan và biện pháp xử lý phân trâu bò
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tại tỉnh Tuyên Quang cho thấy trâu, bò nuôi tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa ghi nhận tỷ lệ nhiễm sán lá gan trung bình ở đàn trâu là 45,67%, đàn bò là 37,67%. Trong đó, tại huyện Chiêm Hóa đàn trâu nhiễm bệnh có tỷ lệ 40,80%, đàn bò là 26%. Do trâu, bò được nuôi chủ yếu theo phương thức chăn thả và bán chăn thả, việc sử dụng thuốc tẩy sán lá gan cho trâu, bò chưa được chú ý, đó là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh cho đàn vật nuôi.
Với việc tổ chức lớp tập huấn nhằm giúp các cán bộ thú y, các hộ chăn nuôi củng cố thêm kiến thức về công tác thú y, áp dụng vào trong thực tiễn, đồng thời tuyên truyền cho người nông dân biết cách phòng trừ bệnh sán lá gan cho đàn trâu bò, góp phần hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi do bệnh sán lá gan gây ra. Nắm bắt được các lý thuyết về ủ phân, diệt mầm bệnh và đảm bảo cho môi trường sống xung quanh./.
Gửi phản hồi