Nằm giữa vùng giáp ranh của 2 xã Tân Mỹ và Phúc Sơn, để vào được Khuôn Thẳm phải vượt Đèo Lai đi khoảng 2km đường đất mới vào đến trung tâm thôn. Anh Lý Tà Lùng, Trưởng thôn chia sẻ: Từ những năm 70, nhiều hộ người Mông ở các huyện Hoàng Su Phì, Sín Mần của tỉnh Hà Giang về định cư tại vùng đất này và ổn định cuộc sống. Đến nay thôn cũng mới chỉ có 25 hộ, 100% là người Mông. Do địa hình đồi núi nên các hộ sống khá biệt lập, Đất nông nghiệp ít, lại manh mún sản xuất kém hiệu quả. Trước đây bà con chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất lâm nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần 10 năm trở lại đây khi phần lớn diện tích đất đồi của người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ đã mạnh dạn phát triển trồng rừng, chủ yếu là trồng keo.
Thôn Khuôn Thẳm nhìn từ trên cao với những cánh rừng xanh ngút ngàn.
Nhìn những vạt đồi xanh mướt, trưởng thôn Lý Tà Lùng phấn khởi cho biết, người dân trong thôn ai cũng có ý thức xoá đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bây giờ 100% số hộ trong thôn đều tham gia trồng rừng, hộ ít thì có khoảng 2 đến 3ha, hộ nhiều có từ 18 đến hơn 20ha. Thời gian qua, một số hộ đã có thu nhập cao từ khai thác gỗ rừng trồng vì vậy phong trào trồng rừng trong thôn càng được đẩy mạnh, đến nay phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đều được người dân trồng keo, trồng bồ đề để lấy gỗ. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở Khuôn Thẳm còn tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua đó, đời sống của người dân cũng được nâng lên. Tuy nhiên, do khó khăn về giao thông không thuận tiện, thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên tỷ lệ hộ nghèo trong thôn vẫn khá cao, 25 hộ thì có tới 20 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, chỉ có 1 hộ khá. Điều mà người dân trong thôn vui nhất là năm 2016, bà con nơi đây được thụ hưởng 2 công trình phúc lợi kiên cố, khang trang gồm: Lớp học mầm non điểm trường Khuôn Thẳm và tuyến đường bê tông dài gần 500m qua đoạn đèò dốc khó khăn nhất.
Bản người Mông Khuôn Thẳm dù vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với việc thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của các hộ đang dần được nâng lên. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, thôn không có người mắc tệ nạn xã hội; các phong trào văn hóa văn nghệ, phong tục truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và gìn giữ./.
Gửi phản hồi