Trâu nghé giống Mura bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của gia đình bà Phạm Thị Học, xã Tân An.
Toàn xã Tân An hiện có đàn trâu 2.365 con, đàn bò 150 con. Những năm qua chăn nuôi đại gia súc là một trong những thế mạnh của xã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phục tráng, xử lý các bệnh về sinh sản đối với đàn trâu, bò chưa được quan tâm, tỷ lệ sinh sản thấp; hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết khá phổ biến… dẫn đến hiệu quả thấp trong chăn nuôi. Thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho Trâu, bò được triển khai tại xã Tân An từ tháng 11/2018. Để đảm bảo triển khai dự án có hiệu quả, từng bước cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò của địa phương, xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ chăn nuôi. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn xã đã có trên 300 con trâu, bò được thụ tinh nhân tạo, trong đó đã có 150 nghé con, bê con được sinh ra. Với phương pháp thụ tinh nhân tạo, nguồn con giống các hộ chăn nuôi lựu chọn chủ yếu là các giống trâu ngố 305 được chọn lọc tại trung tâm giống gia súc lớn Trung ương; giống trâu nhập ngoại Mural; giống bò Senephon, giống bò 3B siêu thịt và giống bò An gốt. Đây là những giống trâu bò có tầm vóc lớn sẽ giúp tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng; tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên. Có thể nói, công tác cải tạo đàn trâu bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo đã đưa tiến bộ kỹ thuật về giống vào sản xuất, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế. Ngoài việc khắc phục triệt để tình trạng thiếu trâu đực giống và đực giống tốt, suy thoái đàn trâu đang diễn ra do cận huyết còn góp phần tăng tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, đặc biệt là trâu thịt. Với giá một con trâu trưởng thành hiện nay khoảng 40 - 50 triệu đồng, công tác thụ tinh nhân tạo đã tăng hiệu quả của nghề chăn nuôi trâu thông qua việc chủ động phối giống cho đàn trâu, rút ngắn chu kỳ sinh sản của đàn trâu, tăng tỷ lệ số trâu cái được phối giống trong năm, thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi trâu, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Cải tạo đàn trâu, bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo đã góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc thể trạng của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Tân An. Thông qua đó góp phần chuyển đổi quan điểm tập quán chăn nuôi, chuyển đổi đàn trâu, bò có năng suất chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định, thu hút và tạo việc làm tại chỗ có thu nhập cao cho lao động địa phương, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Gửi phản hồi