Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, lượng mưa thấp cộng với một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nhiều khiến việc tích nước ở các hồ chứa luôn ở mức thấp. Toàn tỉnh hiện có 110 công trình thủy lợi, hồ chứa nước bị hư hỏng cần phải khắc phục. Thời tiết bất lợi, khả năng trữ nước ở các hồ chứa không đảm bảo ở mức thiết kế nên nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2019 là rất cao.
Cán bộ Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đóng van xả để tích nước tại hồ chứa thôn Xá Nội.
Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và chủ động các biện pháp phòng, chống hạn vụ đông 2018 và vụ xuân 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ban Quản lý công trình thủy lợi tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chỉ đạo ban quản lý, khai thác các công trình thủy lợi cơ sở chủ động thực hiện ngay các biện pháp giữ nước; tận dụng nguồn nước cuối mùa để tích trữ nước vào các hồ chứa; thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ công trình đầu mối, hệ thống kênh mương và công trình trên kênh; có kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.
Đối với các công trình hư hỏng nhiều, kinh phí sửa chữa lớn, vượt quá khả năng thực hiện của địa phương, các ban quản lý lập biên bản kiểm tra xác định mức độ hư hỏng, dự kiến kinh phí khắc phục, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để đề nghị UBND huyện và Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh sửa chữa, bảo đảm các công trình hoạt động hiệu quả, tránh thất thoát nguồn nước.
Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, kết quả kiểm tra tại các hồ chứa lớn lượng nước tích trữ đạt ở ngưỡng 60-70% dung tích thiết kế. Với mực nước này, ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở phải điều tiết khoa học, tiết kiệm mới đủ nước tưới cho cả vụ đông và vụ xuân sắp tới.
Tại 3 vùng trọng điểm luôn phải đối mặt với việc thiếu nước sản xuất vào vụ xuân gồm: Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Để hạn chế tình trạng thiếu nước trong sản xuất, ngay khi hoàn thành sản xuất vụ mùa, ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở đã thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước. Bà Trần Thị Vượng, Phó trưởng Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Kim Phú cho biết, ban đã xây dựng lịch cung cấp nước tưới cụ thể cho các khu vực, xứ đồng, đảm bảo tưới tiết kiệm nước, tận dụng nguồn nước mưa, giảm bớt cung cấp nước từ các hồ chứa; thực hiện tưới luân phiên theo tuyến kênh và đơn vị sử dụng nước; lập phương án phòng chống hạn cho sản xuất vụ đông năm 2018, vụ xuân 2019 ở những nơi có khả năng thiếu nước.
Ý thức sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất đã được nông dân ở một số địa phương thực hiện. Tại xã Sơn Nam, Thiện Kế (Sơn Dương) người dân đã trữ nước vào các giếng, ao, khu ruộng nhỏ, áp dụng các hình thức tưới thủ công; sử dụng rơm, rạ, dùng nilon phủ lên mặt luống nhằm hạn chế sự bốc hơi nước.
Tích trữ nước, chủ động các phương án phòng, chống hạn hán trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện. Song, để làm tốt việc chống hạn hán, ngoài trách nhiệm của ngành chức năng thì bà con nông dân cần có ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước cho cây trồng; tuyệt đối không tháo nước để đánh bắt cá trong các hồ chứa gây thất thoát nguồn nước.
Gửi phản hồi