Chị Nông Thị Tuyết, thôn Làng Tạc có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống, chăm sóc và thu hoạch rau. Gần 2.000 m² đất của gia đình chị hiện đã phủ xanh đỗ cove, cà chua, bắp cải... Nhờ sự chăm sóc theo quy chuẩn sạch nên toàn bộ rau của gia đình chị đã có người đến đặt mua, dự kiến sẽ thu khoảng 20 triệu đồng. Chị Tuyết cho biết, tham gia lớp học về trồng rau sạch, chị chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc rau theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất nên giá bán cao hơn so với rau đại trà khoảng 1,5 lần.
Sau khi tham gia tập huấn, chị Nguyễn Thị Dung, thôn Làng Tạc đã áp dụng những kiến thức học được vào việc chăm sóc 1.000 m² rau của gia đình. Qua 2 tháng trồng và chăm sóc theo kỹ thuật đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, vườn rau của gia đình chị xanh tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chị Loan chú trọng đến khâu làm đất, trồng luân phiên các loại rau khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích để hạn chế sâu bệnh. Dự kiến mô hình trồng rau an toàn vụ này của gia đình chị được khoảng 10 triệu đồng.
Mô hình Trồng rau an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu ở thôn Làng Tạc có 45 thành viên tham gia với tổng diện tích là 5 ha. Các loại rau được trồng chủ yếu là đỗ cove, mướp đắng, cà chua, bắp cải... Với giá bán trung bình khoảng 15.000/1kg như hiện nay, cứ 1.000 m² sẽ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trồng rau an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu cho biết: Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, câu lạc bộ còn chú trọng tuyên truyền, vận động chị em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất rau sạch như sử dụng các loại phân hữu cơ, hạn chế các loại thuốc hóa học... góp phần bảo vệ môi trường. Câu lạc bộ còn đề xuất với các tổ chức đoàn thể xã tín chấp vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Gửi phản hồi