Vụ xuân 2019, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy trên 19.765 ha, trong đó lúa lai 9.565 ha, lúa thuần 9.200 ha. Một số huyện có diện tích sản xuất lớn như: Sơn Dương khoảng hơn 4.800 ha, Yên Sơn trên 4.200 ha, Chiêm Hóa trên 4.000 ha... Xác định đây là vụ lúa quan trọng trong năm, vì vậy ngay từ khi kết thúc vụ mùa, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân, trong đó đặc biệt chú trọng đến lịch thời vụ và cơ cấu các bộ giống. Theo lịch thời vụ, đối với trà chính vụ sẽ bắt đầu gieo mạ từ ngày 25 đến ngày 31-12-2018, cấy từ ngày 8 đến ngày 20-2-2019 khi mạ đã được từ 2 - 3 lá; trà muộn gieo mạ từ ngày 10 đến ngày 20-1-2019, cấy từ ngày 8 đến ngày 20-2-2019. Đối với các diện tích gieo thẳng, bắt đầu gieo từ 8 đến 20-2-2019. Riêng các xã của huyện Lâm Bình, Na Hang kết thúc gieo cấy chậm nhất là 5-3-2019.
Người dân phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) làm đất ở những chân ruộng trũng chuẩn bị sản xuất vụ xuân. |
Về giống lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra bộ giống cho các huyện, thành phố tham khảo, lựa chọn phù hợp với điều kiện thời tiết và thời gian sinh trưởng, song vẫn ưu tiên các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, như: IR 352, N97, Nhị ưu 838, J02, Thái xuyên 111, GS9, Thiên ưu 8, KM 18, TBR225. Bên cạnh đó, vụ xuân năm nay có một số giống lúa mới người dân có thể lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao truyền thống. Vụ xuân năm nay, cơ cấu giống lúa thuần, chất lượng cao chiếm 46,54%, còn lại là lúa lai.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quá trình gieo mạ, bà con phải áp dụng biện pháp che phủ nilon chống rét cho toàn bộ diện tích mạ, trước khi đưa mạ ra cấy phải luyện mạ theo đúng kỹ thuật. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Các địa phương cũng lưu ý giống BC15 nhiễm đạo ôn và rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp. Do đó, không nên gieo cấy trong vụ xuân, chỉ gieo cấy vụ mùa. Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 loại giống làm chủ lực, có thể lựa chọn thêm một số giống cây trồng đã được công nhận chính thức và đã được trồng thử nghiệm trên địa bàn để bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương theo từng vụ, từng chân ruộng, từng trà.
Chi cục Thủy lợi; Ban quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cũng đã căn cứ vào kế hoạch bố trí giống, thời vụ của từng xứ đồng, từng địa phương để có phương án cấp nước đổ ải, tưới.
Thời điểm này, người dân một số địa phương đã bắt đầu làm đất để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất. Ông Vi Văn Hùng, thôn Lõng Khu, xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, gia đình đang tập trung thu hoạch cây vụ đông, giải phóng đất, cày ải phơi đất trước khi đón nước để làm đất gieo cấy vụ xuân. Ông Hùng tính, theo đúng lịch thời vụ, ngày 25-12 sẽ gieo mạ, khi mạ nứt nanh đâm rễ sẽ tiến hành gieo để bảo đảm đến ngày 8-2-2019 mạ đủ tuổi xuống đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, đã có trên 1.000 ha đất đã được cày ải tập trung tại các xã có truyền thống gieo cấy trà sớm, trà chính vụ như: Ninh Lai, Thiện Kế, Đại Phú, Sơn Nam. Huyện đang đôn đốc các địa phương nhanh chóng thu hoạch cây vụ đông để giải phóng đất, tiến hành sản xuất vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Tại các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, nhiều diện tích đất đã được cày vỡ. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, hầu hết các xã đều tuân thủ nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống. Qua kiểm tra nhu cầu đăng ký giống sản xuất vụ xuân của bà con, tình trạng nhu cầu sử dụng giống lúa BC15 giống nhiễm, mẫn cảm với nhiệt độ thấp đã giảm hẳn.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho rằng, tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống là điều kiện tiên quyết để có một vụ lúa thắng lợi. Người dân không nên sử dụng giống không rõ nguồn gốc, giống chưa được kiểm chứng để tránh rủi ro trong quá trình sản xuất. Ngành đảm bảo không để người dân thiếu giống sản xuất, kể cả giống dự trữ trong các trường hợp rủi ro.
Gửi phản hồi