Từ UBND xã Tân Mỹ, vượt Đèo Lai chừng hơn 3 km, chúng tôi đến bản người Mông thôn Khuôn Thẳm. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến thôn là những vạt keo ngút ngàn, xanh mướt.
Đến đầu thôn, chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ Lý Seo Hảo cùng tốp người đang khẩn trương bốc gỗ lên xe. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, anh Hảo phấn khởi, nói: “Gia đình tôi có trên 2 ha rừng, vừa rồi khai thác một ít, cũng thu được mấy chục triệu. Vì nhà có ít đất rừng nên những lúc nhàn rỗi, tôi thu mua thêm của bà con dân bản để kiếm thêm thu nhập”.
Khuôn Thẳm vẻn vẹn 26 nóc nhà người Mông. Ở đây, đất ruộng ít, chủ yếu đất đồi núi. Trước kia, bà con chỉ bám rừng trồng sắn, ngô. Mùa giáp hạt, nhà nào cũng hết gạo. Được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, chục năm trở lại đây, bà con chuyển sang phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, nhà nhà trồng rừng, người người chăm cây. Nhà ít cũng vài ba ha, nhà nhiều lên đến vài chục ha. Những khu đất trống đồi trọc nay được thay thế bằng đồi keo xanh mướt cho thu cả trăm triệu đồng/ha.
Đồi cây keo 5 tuổi của gia đình ông Phan Văn Minh, thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ.
Gia đình chị Giàng Thị Doa là một trong những hộ trồng rừng giỏi nhất nhì ở Khuôn Thẳm. Chị Doa chia sẻ: “Ở đây chủ yếu là đồi dốc, trồng cây ngô, cây sắn, đất bạc màu lắm. Chúng tôi chỉ trồng rừng thôi”. Gia đình chị Doa có 27 ha keo, bồ đề. Trước đây, cũng như bao hộ khác trong thôn, chị Doa chỉ trồng ngô, cấy lúa nương. Năm hạn hán, lúa nương mất mùa, năm mưa to lũ quét, cả nhà lại đói. Vợ chồng chị quyết bỏ cây sắn, cây ngô chuyển sang trồng keo, bồ đề.
Chỉ tay về rừng keo sau nhà, chị Doa bảo: “Nguồn sống của cả nhà ở tất đấy đấy. Cứ cách 1 đến 2 năm lại được khai thác một đồi. Đồi ít cũng được vài chục triệu, nhiều thì tiền trăm. Nhà tôi có 4 người, quanh năm chỉ trồng và làm cỏ cây mà không hết việc. Mùa trồng cây gia đình phải thuê hơn chục người hộ làm. Từ việc trồng cây, gia đình tôi đã có cuộc sống no ấm”.
Không chỉ gia đình chị Doa, ở Khuôn Thẳm còn rất nhiều hộ trồng rừng giỏi, như gia đình ông Tráng Xào Dùng trên 33 ha, ông Sùng Thèn Giáo trên 20 ha, ông Lý Tiến Bần 17 ha, chị Ma Thị Hoài 15 ha... Chị Ma Thị Hoài cho biết, gia đình chị trồng gối, bởi vậy, cách 1 đến 2 năm, chị lại được khai thác gỗ. Từ tiền bán gỗ cộng các nguồn thu, bình quân, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Ngôi nhà ông Phan Văn Minh, thôn Trung Sơn được xây dựng từ tiền bán rừng cây.
Rời Khuôn Thẳm, men theo triền đồi dưới những tán rừng keo xanh ngắt, con đường bê tông rợp bóng mát đưa chúng tôi đến thôn Trung Sơn. Ngỡ ngàng! Đó là cảm giác của tất cả những người đầu tiên đến thôn này. Hai bên đường xen lẫn những ngôi nhà gỗ kiên cố là những ngôi nhà xây 2 - 3 tầng, mái thái hiện đại.
Ông Phan Văn Minh, một người dân trong thôn cho biết, ngôi nhà được xây từ năm 2020, tiền tỷ đấy. “Ngôi nhà tôi xây từ tiền trồng rừng mà ra. Không có rừng thì không thể làm được”. Ông Minh là một trong những hộ đầu tiên trồng rừng ở Tân Mỹ.
Hơn 20 năm về trước, Tân Mỹ nhà nhà trồng sắn, chưa ai nghĩ đến việc trồng rừng và thu được tiền từ rừng, thì ông Minh đã khăn gói, giắt túi tiền triệu một mình đi Cát Lem (Phú Thọ) mua cây giống về trồng trên đồi. Với giá 250 đồng/cây keo giống, ông mua 6.000 cây keo giống về trồng được 3 ha đất đồi. Khi đó, dân làng chưa ai tin những cánh rừng trồng có thể mang lại ấm no. Bởi vậy, có nhiều người hồ nghi lắm.
Sau lứa cây đầu tiên, gia đình ông thu được 220 triệu đồng. Số tiền đó trong mơ không người dân nào ở Tân Mỹ dám mường tượng tới. Từ tiền bán rừng, ông Minh mua được máy xúc, ô tô tải và đất rừng... Đến nay, ông có trên 12 ha rừng, trong đó có 4 ha đã đến kỳ khai thác. Mục tiêu của ông là những cánh rừng gỗ lớn, doanh thu cao. Bởi vậy, mỗi chu kỳ cây, ông trồng từ 8 đến 10 năm mới khai thác.
Chị Trần Thị Lâm, thôn Nà Héc làm việc tại xưởng gỗ bóc trên địa bàn xã, mỗi ngày thu nhập từ 180 - 200 nghìn đồng.
Đồng chí Quan Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, xác định phát triển cây lâm nghiệp là thế mạnh, trong những năm qua, xã Tân Mỹ đã đẩy mạnh công tác trồng rừng theo hướng hàng hóa, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng. Xã tích cực phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về trồng rừng cho bà con trong xã, tuyên truyền tới người dân về lợi ích trồng rừng, coi rừng là cây trồng chính trong phát triển kinh tế ở xã.
Toàn xã hiện có trên 5.000 ha rừng, trong đó có trên 3.000 ha rừng sản xuất. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển rừng chất lượng cao theo tiêu chuẩn FSC. Hiện toàn xã có 1.800 ha được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn FSC. Ngoài ra, để tăng giá trị rừng trồng, chính quyền xã khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các xưởng chế biến gỗ, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Hiện trên địa bàn xã có 4 xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hàng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Phát triển rừng đang là hướng đi có hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã cũng như là cơ hội để người trồng rừng thực sự giàu lên từ rừng.
Chia tay Tân Mỹ với những cánh rừng bát ngát, mang theo bao câu chuyện trồng cây chăm rừng với cả ước vọng của những người trồng rừng trên mảnh đất non cao này. Với tình yêu rừng, họ đang từng ngày, từng giờ viết tiếp bài ca cho những cánh rừng Tân Mỹ thêm xanh.
Gửi phản hồi