Vườn cây sachi của gia đình anh Hoàng Văn Quỳnh tại thôn Bình Tiến, xã Bình Nhân.
Nhờ chăm chỉ tìm tòi học hỏi, từ cuối năm 2018, anh Hoàng Văn Quỳnh ở thôn Bình Tiến, xã Bình Nhân đã mạnh dạn đưa giống cây dược liệu Sachi về trồng trên diện tích gần 1ha đất vườn đồi của gia đình. Theo anh Quỳnh trồng cây dược liệu Sachi không đòi hỏi kỹ thuật cao, Sachi có thể trồng trên nhiều loại đất, song thích hợp nhất là trồng trên đất đồi có hàm hượng mùn cao, đất phù sa ven sông, chủ động được tưới tiêu. Đất trước khi trồng phải được làm sạch cỏ dại, xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh. Làm đất tơi xốp, lên luống cao 30cm cho dễ thoát nước. Được biết, Sachi là loại cây nhiều công dụng, có thể tận dụng hầu hết các bộ phận của cây để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm. Đặc biệt, cây sachi trồng 1 lần cho thu hoạch tới 20 – 30 năm. Mặc dù mới bắt tay vào thực hiện mô hình này, nhưng nhờ chủ động chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nên vườn cây Sachi của anh Quỳnh phát triển khá tốt, hiện nay cây đã bắt đầu ra hoa và tạo quả. Dự kiến khoảng 2 đến 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Nhân dân làm đất để chuẩn bị mô hình trồng cây bí xanh tại thôn Tân lập.
Cùng với phát triển mô hình trồng cây dược liệu Sachi, năm 2019 này Bình Nhân còn xây dựng mô hình trồng cây bí xanh với diện tích 5ha tại thôn Tân Lập. Đỗ Xuân Hoạch, thôn Tân Lập, xã Bình Nhân cho biết: toàn bộ diện tích đất soi bãi của gia đình ông và các hộ khác trong thôn chủ yếu chỉ trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao, nay xã triển khai mô hình trồng bí xanh nên gia đình ông cũng mạnh dạn tham gia với mong muốn mô hình sẽ mở ra một hướng đi mới, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người nông dân.
Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đạt mức thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Bình Nhân cũng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo đó, cùng với việc tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ nâng hệ số sử dụng đất ruộng đạt 2,8 lần/năm, đưa vụ đông trở thành 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, xã đã vận động nhân dân đưa nhiều giống cây con có năng xuất, chất lượng áp dụng vào sản xuất. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương Bình Nhân đã phát triển và duy trì một số mô hình, như: các mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm, nuôi cá lồng trên song; mô hình trồng cây ăn quả có múi, phát triển ổn định vùng mía nguyên liệu; phát triển trồng cây lâm nghiệp… Để góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, Bình Nhân hướng tới mở rộng phát triển các mo hình kinh tế mới cho thu nhập cao như: mở rộng mô hình trồng cây dược liệu, trồng rau an toàn
Với các giải pháp thiết thực của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của người dân bàn xã, hiện nay ở xã Bình Nhân các mô hình kinh tế mới được triển khai thực hiện đang phát triển tốt hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế kinh tế cao cho người dân, mở ra một hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế lâu bền vững và hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Gửi phản hồi