Thế chấp sổ đỏ mua thức ăn, con giống giúp xã viên
Được thành lập từ năm 2018, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) với 7 thành viên có quy mô hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Nhận thấy Kim Bình có giống gà ri với đặc điểm thịt dai, da vàng, thơm ngon, Ban lãnh đạo HTX Thành Đạt đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên, cho ăn cỏ cây và phối trộn các loại thảo dược. Để nâng cao năng suất, sản lượng cho đàn gia cầm, ngoài chọn giống tốt, thì thức ăn chăn nuôi là không thể thiếu. Nhiều hộ còn khó khăn, đến kỳ vào đàn nuôi, để có tiền mua con giống, thức ăn, phải chạy vạy đi vay khắp nơi. Hiểu được nỗi khổ của các thành viên, Giám đốc HTX Lã Quý Cảnh trăn trở nghĩ cách giúp dân. Mỗi vụ nuôi lứa gà mới các thành viên trong HTX phải mua hơn 100 tấn thức ăn chăn nuôi, nên dù có bán hết cả đàn lợn, đàn dê của gia đình cũng không đủ tiền ứng ra cho bà con.
Anh Lã Quý Cảnh (bên trái) kiểm tra chất lượng đàn gà ri của thành viên trong HTX trước khi xuất bán.
Sau nhiều đêm mất ngủ, anh bàn với vợ mang sổ đỏ của gia đình thế chấp với ngân hàng để lấy tiền mua thức ăn chăn nuôi và gà giống cho bà con. Khi được hỏi: “Anh không sợ bà con không trả tiền thì người ta đến lấy đất, lấy nhà mình à”? Giám đốc Cảnh nhấp một ngụm nước chè đặc còn nóng hổi, bảo rằng: “Đem nhà cửa, ruộng vườn ra thế chấp, mình cũng lo chứ. Nhưng mình tin bà con. Khi xuất bán được lứa gà có tiền bà con sẽ trả lại mình thôi, nhiều hộ gia đình xây dựng chuồng trại nuôi gà thiếu xi măng, sắt thép, lưới B40 mình còn phải đứng ra bảo lãnh cho họ ở các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nữa cơ. Mình được người ta tin, nên mới đồng ý cho bảo lãnh. Chứ người dân tự đến mua chịu, e hơi khó...”. Với số tiền thế chấp sổ đỏ hơn 300 triệu đồng, anh Cảnh đã giúp đỡ các thành viên trong HTX về mua giống và thức ăn chăn nuôi để cùng đầu tư.
Anh Lý Văn Long, thôn Khuổi Pài cho biết, nhờ anh Cảnh mà gia đình anh được ứng ra đầu tư mua hơn 4.500 con gà giống về nuôi, đến nay, gà của gia đình phát triển tốt, dự kiến đến cuối năm sẽ xuất bán ra thị trường phục vụ bà con chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
Hiện nay, việc liên kết nuôi gà ri thương phẩm được các hộ chăn nuôi chú trọng chất lượng và số lượng, hộ chăn nuôi ít thì hơn 2.000 con, hộ nhiều cũng gần 8.000 con. Trước đây, hầu hết người dân trong xã chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà nên đàn gà trong xã hay bị dịch bệnh chết hàng loạt. Nhưng giờ HTX đang liên kết với HTX gà Lạc Thủy (Hòa Bình) mở các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật theo mô hình “gà thả đồi” kết hợp công nghệ đệm lót sinh học, các thành viên trong HTX vỡ ra nhiều điều từ chăn nuôi gà và đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Triển vọng
Vốn là sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, sau khi ra trường, anh Lã Văn Duy, thôn Phong Quang, xã Kim Bình trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ri thả vườn. Anh Duy tâm sự, trước đây với diện tích hơn 3 ha của gia đình chủ yếu trồng chuối tây, nhưng nay cây chuối tây trên địa bàn xã đang bị phế canh. Đầu năm 2020, nắm bắt nhu cầu thị trường trong việc lựa chọn các loại thực phẩm sạch, được sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Duy đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà ri thả đồi với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, anh dành thời gian học thêm các kiến thức về chăn nuôi, thú y trên sách, báo. Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản kết hợp kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút trong quá trình sản xuất, anh chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi gà thả đồi.
Gà ri Chiêm Hóa đạt trọng lượng tối đa từ 1,8 đến 2 kg/con.
“Lứa nuôi đầu tiên, anh thả 1.000 con giống gà ri thuần chủng, được nhập từ một trung tâm giống uy tín. Gà giống khi qua giai đoạn úm tại chuồng sẽ được thả ra đồi để tự tìm thức ăn. Nguồn thức ăn chính của gà ri ngoài ngô, cám, khoáng chất còn có các loại côn trùng và thảo dược phụ phẩm nông nghiệp. Gà được tiêm phòng đầy đủ theo phác đồ nên dịch bệnh rất ít khi xảy ra. Sau khoảng 5 tháng chăm sóc theo quy trình, đàn gà ri phát triển nhanh, đồng đều, trọng lượng tại thời điểm xuất bán đạt từ 1,8 - 2 kg/con”, anh Duy cho hay.
Phương pháp nuôi gà ri của anh Duy mặc dù thời gian nuôi dài hơn so với nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nhưng chi phí thấp, đặc biệt là thịt gà săn chắc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, đồng thời liên kết với các HTX chăn nuôi ở các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc nên khâu đầu ra được đảm bảo. Từ thành công bước đầu, anh Duy tăng dần số lượng gà giống. Trung bình mỗi năm, anh nuôi khoảng 4.500 con gà ri.
Xây dựng thương hiệu
Từ khi thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi thì việc tham gia HTX đã giúp các thành viên nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích.
Theo Giám đốc Lã Quý Cảnh, hiện nay có 7 hộ thành viên đang liên kết nuôi gà ri với số lượng trên 30.000 con/ lứa. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung, nhưng do ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã gà chất lượng cao Lạc Thủy để đưa vào 2 hệ thống siêu thị bậc nhất cả nước là Lotte và Vinmart suốt từ Bắc vào Nam nên không ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi của HTX.
Người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà ri của gia đình.
Để đảm bảo việc cung cấp nguồn hàng đảm bảo sạch, an toàn và đủ về số lượng, mục tiêu trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô, kết nạp thêm các thành viên nuôi gà ri để nâng tổng số đàn lên đến 50.000 con/lứa theo tiêu chuẩn VietGap, cung cấp cho người tiêu dùng trên cả nước được biết đến. Bởi gà ri Kim Bình nói riêng và Chiêm Hóa nói chung ngang tầm, thậm chí có phần nhỉnh hơn về chất lượng so với nhiều giống gà thương phẩm khác. Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, hiện HTX đã xây dựng lò mổ, hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu “Gà ri Chiêm Hóa”.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa chia sẻ, hiện nay, huyện đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp tỉnh sản phẩm “Gà ri Chiêm Hóa” đạt tiêu chuẩn 3 sao, tiến tới nâng hạng lên 4 sao.
Với những bước đi bài bản, khi đã có thương hiệu “Gà ri Chiêm Hóa”, thì mọi nhà ở xã Kim Bình đều phát triển chăn nuôi, mọi người cùng chung ý thức bảo vệ thương hiệu, chắc chắn đàn gà của xã sẽ tăng lên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân mọi miền đất nước khi đến với Chiêm Hóa nói riêng và Tuyên Quang nói chung.
Gửi phản hồi