Cơ sở bóc ván gỗ Vân Tới, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đóng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. |
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có tỉnh ta. Nếu như 8 năm trước sản phẩm nông, lâm sản được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở sản phẩm chè thì những năm gần đây là các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, tinh bột dong riềng, trâu thịt, lợn thịt, lạc... Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, năm 2015, HTX xuất khẩu khoảng 70 - 80 nghìn con trâu, bò thịt vào thị trường Trung Quốc, đến năm 2018 khoảng 140.000 con, trong tương lai sẽ tiếp tục tăng.
Sản phẩm lạc tươi Chiêm Hóa cũng đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây. Ông Ma Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, trung bình mỗi vụ người dân trong xã xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khoảng 34 - 35 nghìn tấn lạc tươi, doanh thu đạt khoảng trên 36 tỷ đồng. Theo ông Hoàn, thương lái thu mua lạc xuất khẩu đi Trung Quốc rất thoáng, lạc vừa thu hoạch xong, đập bỏ sạch đất, cân tươi tại ruộng, lại được giá nên bà con rất phấn khởi.
Theo ông Phạm Đình Huế, thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), trước đây chưa có thương lái thu mua lạc xuất khẩu, bà con phải phơi khô, phân loại lạc khá vất. Hơn nữa chưa có kỹ thuật bảo quản nên lạc bị sâu, mọt giá trị kinh tế giảm đi nhiều. Giờ thu đến đâu, người dân bán tươi đến đó với giá 11 nghìn đồng/kg.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó giám đốc Sở Công thương khẳng định, hiện nay mới có các sản phẩm chè, giấy đế, giấy viết, giấy in, đũa gỗ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm trâu thịt, lạc, dong riềng, chuối… xuất khẩu đều qua con đường tiểu ngạch. Hình thức xuất khẩu này thường không chú ý truy xuất nguồn gốc của hàng hóa nên việc xây dựng thương hiệu, nhãn hàng khi xuất khẩu dường như không có; chất lượng sản phẩm không đồng đều, sức cạnh tranh kém. Điều đáng nói nữa là, xuất khẩu tiểu ngạch sự ràng buộc pháp lý giữa bên mua và bên bán rất lỏng lẻo, chứa đựng nhiều rủi ro. Thực tế nhiều doanh nghiệp của các tỉnh có mặt hàng xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bị bạn hàng từ chối nhập hàng dẫn đến sản phẩm ế thừa, hư hỏng tại cửa khẩu gây tổn thất kinh tế rất lớn.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong tương lai không xa lượng sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu sẽ tăng mạnh, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Lúc đó Trung Quốc không còn đặt giá cả là ưu tiên số một như hiện nay thay vào đó họ đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chí nhất định về khâu chế biến và gia công sản phẩm nông sản.
Do đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm sản của tỉnh cần phải đầu tư cho kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại trong chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật,… đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường; thay đổi tư duy làm ăn, hướng đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, doanh nghiệp sẽ vướng phải nhiều rào cản kỹ thuật, song đây cũng là giải pháp để xuất khẩu hiệu quả, bền vững, tránh rủi ro nên buộc phải nỗ lực.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch, ngành Công thương đang có kế hoạch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để mở các lớp tập huấn cũng như cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, yêu cầu cũng như các quy định của Trung Quốc, nhất là vào các vụ mùa thu hoạch từng sản phẩm nông sản.
Gửi phản hồi