Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền
được dán trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Ra đường có thể thấy nhan nhản tại các gốc cây, cột điện, bờ tường, cổng ký túc xá sinh viên, cổng trường học… những thông tin vô cùng hấp dẫn về hạn mức cho vay, thời gian giải ngân hoặc tỷ lệ lãi suất, thủ tục dễ dàng, nhanh gọn. Thông tin quảng cáo thậm chí không cần giới thiệu đơn vị cho vay mà chỉ có thông tin cho vay trả góp, chứng minh thư cộng sổ hộ khẩu gốc và kèm theo đó số điện thoại để liên lạc. Ai có nhu cầu thì bấm điện thoại là ngay lập tức sẽ được hướng dẫn các thủ tục cho vay. Dĩ nhiên là hầu hết người vay sau khi nhận tiền đều rơi vào cảnh ngậm đắng nuốt cay. Sau khi thỏa thuận xong, họ yêu cầu người vay đưa chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu gốc để họ giữ và về nhà riêng để viết giấy vay nợ.
Cách đây 2 năm, bà N.T.H, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cũng từng là nạn nhân của tín dụng “đen”. Bà kể, lúc đó thiếu tiền nên bà vay 20 triệu đồng. Nhưng trên giấy viết vay nợ không thể hiện lãi suất mà chỉ ghi tổng số tiền nợ, đã bao gồm lãi suất. Bà phải trả dần theo tháng cả lãi và gốc là 1,2 triệu đồng. Đến ngày trả tiền là có người đến tận nhà thu tiền. Những tháng không trả được thì lại nhập gốc và tính lãi, cứ thế phải đến gần 2 năm bà mới trả hết nợ, số tiền phải trả nhiều gấp đôi cả tiền vay.
Với lãi suất cao ngất ngưởng, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay ngày càng trở nên khổng lồ khiến nhiều người mất khả năng trả nợ, rơi vào cảnh khốn cùng. Khi người vay tiền không trả đúng kỳ hạn, các đối tượng này sẽ trực tiếp đến nhà con nợ để đòi tiền, chửi bới, đe dọa để gây áp lực. Tại thị trấn Sơn Dương, chị Nguyễn Thị T. do vướng vào tín dụng “đen” nên thời gian gần đây thường bị các đối tượng thanh niên xăm trổ đến tụ tập gần nhà quấy rối, chửi bới, dùng cả các chất bẩn ném vào nhà…
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn, hỗ trợ tài chính, mua bán, trao đổi, cho thuê xe máy, ô tô… (gọi chung là hình thức kinh doanh tài chính). Hoạt động này có hoặc không có đăng ký kinh doanh để cho vay tiền hoặc cầm cố tài sản với lãi suất cao khoảng 30%/tháng. Một số hành vi, thủ đoạn hoạt động điển hình là: Giao dịch cho vay thường là thỏa thuận ngầm, việc vay nợ thường được viết chuyển hóa bằng việc thế chấp tài sản có giá trị cao (nhà đất, ô tô) với giá thấp có công chứng hoặc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản cho đối tượng, sau đó thuê lại tài sản… Đến hạn, các chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp. Đến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ bằng một số thủ đoạn: Tụ tập trước nhà, đe dọa giải quyết theo kiểu “luật rừng” để gây sức ép, khủng bố tinh thần, buộc con nợ phải trả tiền. Đồng thời, cùng với thủ đoạn đòi nợ trên, các đối tượng làm đơn trình báo cơ quan chức năng về việc có đối tượng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của mình (thường là xe máy, ô tô) và yêu cầu cơ quan cơ quan chức năng tiến hành xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
Để tránh bẫy tín dụng “đen” người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, khi phát hiện những hành vi như trên, người dân nên báo ngay cho Công an tỉnh theo số điện thoại 02073.816.600 hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Gửi phản hồi