Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương và các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp, tổ chức dạy học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022. Đồng thời, xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; 100% tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2-2022, tỷ lệ học sinh cả nước đi học trực tiếp đạt 93,71%…
Tuy nhiên, việc việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh sau Tết diễn biến phức tạp, số ca nhiễm là giáo viên, học sinh tăng cao. Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (tháng 4 - 2021) đến nay toàn ngành ghi nhận gần 163.000 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Cùng với đó, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò; một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học…
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở một số địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh trong trường học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn để hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc mở cửa trường học đón học sinh đến trường học trực tiếp là cần thiết, đây là chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, khi mở cửa cần phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch lây lan. Dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước được xác định chưa thể hết ngay được, thậm chí có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm hơn. Do vậy, các địa phương, các cơ sở giáo dục phải có những giải pháp thích ứng phù hợp, xây dựng phương án đối phó với từng tình huống cụ thể, tránh bị động, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh việc tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho cán bộ, giáo viên, học sinh cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch từ nhà trường đến gia đình, ngoài cộng đồng; tổ chức dạy học trực tiếp cần kết hợp với dạy học trực tuyến để nâng cao hiệu quả dạy học…
Xét nghiệm để tách F0 ra khỏi trường học
Lãnh đạo Sở Y tế thảo luận các giải pháp phòng, chống dịch trong trường học.
Cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh đã họp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn và trong trường học trong tình hình mới. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chỉ đạo, các ngành, các đơn vị phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thống nhất phương án phòng chống dịch trong trường học trong tình hình mới, không để dịch lây lan. Phải tiến hành xét nghiệm để sớm tách F0 ra khỏi trường học để đảm bảo việc dạy học trực tiếp. Đồng thời xác định các trường hợp F1 cho đúng đối tượng; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho cán bộ, giáo viên, học sinh theo kế hoạch. Khi phát hiện các trường hợp F0 cần khoanh vùng gọn, chính xác, đối với các trường học sinh nghỉ học phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến chứ không phải nghỉ không ở nhà…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, tới đây tỉnh sẽ mở cửa du lịch và đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế xã hội, tình hình dịch Covid sẽ rất phức tạp nên phải triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh ngay từ đầu năm. Các cấp, các ngành, cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương của tỉnh để thực hiện. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm. Khi tổ chức các sự kiện lớn phải xét nghiệm tầm soát; tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ Covid cộng đồng, thiết lập số điện thoại đường dây nóng kịp thời báo cáo các diễn biến phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân điều trị Covid-19. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch để mọi người dân hiểu để tích cực thực hiện; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng, chống dịch theo kế hoạch; yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế qua mã quét QR code…
Gửi phản hồi