Đám cưới cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và không tiếp khách bằng thuốc lá của anh Hầu Văn Dũng, 29 tuổi và chị Vàng Thị Mai 20 tuổi, thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú.
Thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình điểm Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện lựa chọn xã Tri Phú làm điểm của huyện thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, trong đó thống nhất lựa chọn 02 khu dân cư thôn Lăng Quăng, Bản Tát làm điểm để thực hiện. Tại Lễ cưới của anh Hầu Văn Dũng, 29 tuổi và chị Vàng Thị Mai 20 tuổi, thôn Lăng Quăng diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi; thực hiện theo đúng tiêu chí chung của Khu dân cư văn minh trong việc cưới như không sử dụng lòng đường để dựng rạp cưới; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ tối; không tổ chức ăn uống trước và sau đám cưới...trọng tâm là 02 tiêu chí “Đám cưới cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình” và “đám cưới không tiếp khách bằng thuốc lá”. Điều này cho thấy sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động của Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều hũ tục lạc hậu để tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Một số hình ảnh tại đám cưới văn minh của anh Hầu Văn Dũng và chị Vàng Thị Mai, thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú.
Tiến hành đồng thời với việc cưới, thực hiện dựng mô hình điểm Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang được MTTQ huyện lựa chọn thị trấn Vĩnh Lộc làm điểm của huyện thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, trong đó thống nhất lựa chọn 02 khu dân cư làm điểm để thực hiện là tổ dân phố Vĩnh Khang và Vĩnh Quý. Qua quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy, trong việc tổ chức tang lễ đã hạn chế sử dụng thuốc lá; sử dụng nhạc chiêu hồn thay việc sử dụng kèn, trống; sử dụng vòng hoa luân chuyển; không rải vàng mã trên đường đưa tang; thực hiện hình thức hỏa tảng, điện táng; không tổ chức nghi lễ cúng bái nhiều ngày gây lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình...
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là việc làm cần thiết, thể hiện nhận thức về văn hóa của cộng đồng, vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của các dân tộc, vừa được cải biến ngày càng vǎn minh phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là các khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, gây tốn kém, lãng phí cho các gia đình; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang./.
Gửi phản hồi