Nặng lòng văn hóa Dao Tiền
Về Yên Nguyên mùa này, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng vàng trải dài tít tắp, hiện rõ khung cảnh thanh bình, ấm no. Ẩn sâu dưới khung cảnh tươi đẹp đó là một mạch ngầm văn hóa vẫn ngày đêm tuôn chảy bất tận, điển hình là dòng chảy văn hóa người Dao Tiền ở vùng đất này.
Ông Bàn Công Hiến bên những cuốn sách do ông sưu tầm, biên soạn.
Người khơi mạch nguồn văn hóa Dao Tiền đặc sắc ấy là ông Bàn Công Hiến, con rể của Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên năm xưa. Ông Hiến sau khi làm Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa, rồi Giám đốc Sở Tư pháp, nghỉ hưu ông về lại quê hương Yên Nguyên. Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.
Xã Yên Nguyên có 16 thôn, trong đó có 3 thôn chủ yếu là đồng bào Dao, gồm: Đồng Vàng, Cầu Mạ và Cầu Cả. Yêu quê hương, yêu bản Dao ông Hiến nhận thấy phải làm một cái gì đó để lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người Dao. Năm 2014 ông thành lập Đội văn nghệ Dao Tiền thôn Đồng Vàng với hơn 10 thành viên. Ông đồng thời làm đơn lên xã mở một lớp dạy chữ Dao cho các thành viên.
Những ngày đầu thật khó khăn. Những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn giờ phải làm quen với mặt chữ nho, những câu Páo dung, điệu múa. Đội phải sưu tầm từng bộ quần áo cổ truyền, từng cái chuông, chũm chọe, thanh la, tù và...
Từ năm 2014 đến nay, CLB văn hóa Dao Tiền thôn Đồng Vàng đã tham gia giao lưu, hội thi, hội diễn nhiều chương trình lớn của huyện, của tỉnh, toàn quốc và đều “ẵm” giải cao. Thành công của CLB đã khích lệ các thành viên trong đội rất lớn, anh chị em càng say mê tập luyện. Đỉnh cao nhất của CLB là chuyến tham gia lưu diễn tại Tây Nguyên gần nửa tháng năm 2021, CLB văn hóa Dao Tiền thôn Đồng Vàng đạt giải A làm nức lòng anh chị em toàn đội và có tiếng vang không chỉ trong tỉnh... Số người tham gia CLB càng đông và sinh hoạt cũng đều đặn và thường xuyên hơn. Năm 2019, đội văn nghệ thôn Đồng Vàng phát triển thành CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Tiền xã Yên Nguyên, với hơn 20 thành viên. Năm 2021 do tuổi cao ông Bàn Công Hiến bàn giao CLB cho anh Bàn Xuân Đông, song ông vẫn tham gia sinh hoạt CLB thường xuyên, đồng thời là cố vấn, hồn cốt của CLB.
Hằng ngày, ông Bàn Công Hiến vẫn miệt mài truyền dạy văn hóa dân tộc Dao cho con cháu trong gia đình và ở thôn.
CLB duy trì sinh hoạt 2 buổi/tuần, vào tối thứ 7, chủ nhật tại nhà văn hóa thôn. Các thành viên được tập hát Páo dung, múa các điệu múa dân tộc như Cầu mùa, múa Cấp sắc, múa chuông. Để nâng cao chất lượng nghệ thuật của các tiết mục văn nghệ, CLB đã mời Nghệ sĩ Ưu tú Lê Cường (nguyên quyền Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh) nâng cao phần vũ đạo và âm nhạc. Nhờ đó, các tiết mục của CLB sinh động hẳn lên và có chất nghệ thuật hơn. Ngoài các tiết mục truyền thống “Mừng Xuân”, “Cấp sắc mừng con trưởng thành”, hai tiết mục mới là múa “Niềm vui được mùa” và “Tiếng chuông gọi mùa vàng” là những tiết mục đinh của CLB...
Mạch nguồn chảy mãi
Với tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong tâm khảm ông Bàn Công Hiến luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để truyền dạy những gì mình học được thật nhiều cho thế hệ trẻ. Vì thế, ông đã tích cực đi nhiều nơi trong và ngoài huyện để tìm tòi, sưu tầm những quyển sách cổ, bài hát dân gian, thơ ca phục vụ cộng đồng người Dao. Ông đã biên soạn Đề tài cấp sắc 3 đèn của dân tộc Dao ở Tuyên Quang và Đề tài hát “Páo dung” giao duyên của dân tộc Dao Tiền. Cả hai đề tài đều được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu. Ngoài ra, ông còn tham gia cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sưu tầm, dịch thuật và biên soạn cuốn “Một số bài hát Páo dung người Dao huyện Chiêm Hóa”; sưu tầm, biên soạn, dịch thuật hơn chục bài thơ tiếng Dao sang tiếng Việt để phổ biến lưu truyền trong vùng đồng bào người dân tộc Dao sinh sống...
CLB văn hóa dân tộc Dao Tiền, xã Yên Nguyên tham gia biểu diễn tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia di tích khảo cổ địa điểm chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Năm 2023, CLB đã tổ chức 2 lớp dạy tiếng Dao cho các cháu học sinh trên địa bàn xã. Toàn bộ chương trình giáo án giảng dạy do ông Hiến biên soạn. Theo ông Hiến, dự kiến ban đầu CLB chỉ tổ chức dạy một lớp học tiếng Dao, nhưng sau vài buổi học, các cháu đăng ký đông hơn dự kiến, CLB tổ chức thêm lớp nữa. Việc các cháu thích thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao, ông cảm thấy rất vui, điều đó càng thôi thúc ông phải cố gắng sưu tầm, biên soạn nhiều chương trình hơn nữa. Có lẽ, chính tình yêu, sự trăn trở của ông đã tiếp thêm ý chí, động lực để ông ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn nhiều tác phẩm để trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc Dao đến cộng đồng.
Ông Bàn Xuân Đông, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Tiền xã Yên Nguyên chia sẻ: “Ông Hiến nhiệt tình lắm. Dù là thành viên cao tuổi nhất, nhưng ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của CLB. Ông vừa là người dẫn đường chỉ lối, vừa là hồn cốt của CLB”.
Em Bàn Thảo Trang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Yên Nguyên chia sẻ: “Dù bố mẹ em đều là người dân tộc Dao, nhưng em lại không biết tiếng nói, không biết phong tục tập quán của người Dao. Vừa qua, em được tham gia lớp học tiếng Dao do ông Hiến biên soạn bài giảng, giúp em hiểu hơn về văn hóa dân tộc Dao, từ đó thêm tự hào về dân tộc mình”.
Chia tay ông Hiến, chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông: “Người Dao mà không biết nói tiếng Dao, không biết hát Páo dung, không biết phong tục người Dao thì coi như mất gốc. Vì thế, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình”.
Gửi phản hồi