Hội nghị trực tuyến biểu dương mô hình tự quản tiêu biểu ở khu dân cư thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" tại điểm cầu Chiêm Hóa.
Dự tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa có các đồng chí: Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Ma Văn Hùng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Triệu Đức Long, Ủy viên BTV HU, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQ huyện.
Đồng chí Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và các đại biểu dự Hội nghị tại Điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Sau hơn 1 năm thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào đã khơi dậy sự đồng lòng ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. MTTQ các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng được 1.254 mô hình tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, trong đó chia thành 1.794 nhóm tự quản. Các mô hình tự quản ở khu dân cư đã xây dựng được quy chế hoạt động và được đưa vào quy ước, hương ước của thôn. Hoạt động của các mô hình tổ, nhóm tự quản bước đầu đã đi vào nề nếp và hoạt động tích cực, có hiệu quả, được nhân rộng phù hợp từng địa bàn khu dân cư.
Nhiều mô hình tự quản có cách làm đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, khu dân cư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên như: định kỳ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh ở các tuyến đường khu dân cư; xây dựng bể ủ rác hữu cơ để thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng làn mây khi đi chợ, tận dụng chai lọ nhựa trồng hoa treo tường, thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán gây quỹ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tái chế từ rác thải nhựa để trồng hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình và tại nhà văn hoá thôn; thu gom phế liệu nhựa bán tạo nguồn quỹ để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn…
Đại biểu phát biểu thảo luận tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình tự quản thực hiện phong trào chưa thật sự rộng khắp ở các khu dân cư trong tỉnh. Hoạt động của mô hình tự quản có nơi còn hình thức. Ý thức trong việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần của một bộ phận người dân chưa cao. Một số cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, chế biến lâm sản chấp hành chưa nghiêm quy định về bảo vệ môi trường. Kinh phí hỗ trợ điều kiện hoạt động mô hình tự quản còn khó khăn. Việc xây lò đốt rác tại hộ gia đình chưa phải là giải pháp phù hợp. Công tác quản lý Nhà nước trong xử lý rác thải và chống rác thải nhựa chưa đồng bộ. Vùng nông thôn, xa trung tâm chưa có đơn vị đến thu gom rác thải, chưa có nơi tập kết rác thải tập trung.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa". Đồng chí nhấn mạnh, vấn đề xử lý rác thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định việc giảm thiểu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Mỗi cấp ủy tổ chức đảng, phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện phong trào, đưa việc thực hiện phong trào vào nghị quyết của các chi bộ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thôn, tổ dân phố; định kỳ hằng tháng trong các kỳ sinh hoạt đánh giá việc lãnh đạo và kết quả thực hiện phong trào. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" thông qua các mô hình tổ, nhóm tự quản ở cộng đồng dân cư.
Các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác bảo vệ môi trường và “xử lý rác thải, chống rác thải nhựa”; tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường và “xử lý rác thải, chống rác thải nhựa”; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư trang thiết bị, công cụ, nhà máy để xử lý và tái chế rác thải nhựa.
Đồng chí đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, phối hợp thống nhất phân công nhiệm vụ cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên thực hiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư. Đồng thời gắn phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Phong trào cần được thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế ở từng địa phương, từ đó nâng cao ý thức cho người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khi đi mua sắm, thay đổi thói quen trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, thu gom xử lý rác thải bảo đảm đúng tiêu chuẩn.
Nhân dịp này, huyện Chiêm Hóa có 3 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 4 tập thể và 02 cá nhân được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa".
Gửi phản hồi