Cú sốc
Là bộ đội từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào những năm 1968-1970, trở về địa phương, dù không ai giao nhiệm vụ, nhưng Cựu chiến binh Đào Xuân Chiến luôn tự nhủ, mình phải là người đi đầu, gương mẫu trong mọi phong trào, nhất là trong công cuộc giảm nghèo.
Ông Chiến vốn là công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Năm 1986, sau khi nghỉ chế độ, ông cùng vợ là Phạm Thị Mùi vừa nhận liên doanh với lâm trường vài ha, vừa dồn tiền mua thêm đất trồng hơn 20 ha rừng. Thu nhập từ trồng rừng mỗi vụ cũng cho gia đình ông bà cả trăm triệu đồng.
Năm 2014, gia đình ông Chiến là hộ đầu tiên chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa của thôn Đình. Ông Chiến bảo, tính mình vốn liều, đã chăn nuôi là phải chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông có quy mô 200 con. Năm đầu tiên đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ông thu lãi gần trăm triệu đồng. Thấy việc chăn nuôi lợn có lãi, ông đứng ra vận động bà con trong thôn, ngoài thôn thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi lợn, số thành viên lên đến 22 người, là nông dân các thôn Đình, Mũ, Đóng, Thắm.
Ông bảo, làm tổ trưởng tổ hợp tác cũng giống như “người vác tù và hàng tổng”, không được công cán gì đâu, chỉ là mình muốn kêu gọi những người có chung sở thích chăn nuôi, tự nguyện cùng tham gia, khi ấy việc chăn nuôi sẽ có nhiều thuận lợi hơn, như được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi miễn phí, được mua chung con giống, thức ăn... với số lượng lớn, giá cả cũng hợp lý hơn.
Ông Đào Xuân Chiến, tổ trưởng tổ hợp tác thôn Đình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn lợn.
2 năm đầu tiên, Tổ hợp tác hoạt động tương đối thuận lợi. Giá thu mua lợn hơi cao, thị trường ổn định. Nhưng đến cuối năm 2016, giá lợn hơi liên tục giảm chạm đáy, những người chăn nuôi lợn như ông Chiến đứng ngồi không yên. Ông Chiến bảo, đầu năm 2017, giá lợn có lúc xuống đến 18 - 19 nghìn đồng/kg, mình vẫn biết là đã lỗ, nhưng không biết lỗ bao nhiêu. Sau khi cộng trừ tất cả các khoản đầu tư, được thông báo số tiền đã mất khi đầu tư vào đàn lợn chỉ thiếu 17 nghìn đồng nữa là tròn 500 triệu đồng, ông Chiến bất tỉnh tại chỗ.
Ông bảo, số tiền đấy là gia tài cả gia đình bán mặt cho đất bán lưng cho trời trong hàng chục năm trời giờ tiêu tan trong chốc lát khiến “trụ cột” là ông chết đứng. Cả tuần trời không ăn không ngủ, vừa tiếc tiền, vừa áy náy với các thành viên trong tổ hợp tác, nhất là những người vừa đổ tiền đầu tư chuồng trại, như trường hợp anh Ma Công Minh, người cùng thôn. Anh Minh theo học Trung cấp Thú y, trong lúc chờ xin việc làm, được ông Chiến động viên tham gia vào tổ hợp tác, vừa để yên tâm làm giàu tại quê hương, vừa áp dụng kiến thức mình đã học được. Anh Minh vừa dồn tiền đầu tư xong hệ thống chuồng trại, con giống trị giá hơn 300 triệu đồng, chưa kịp thu về đồng nào thì cơn bão giá ập đến.
Chị Ma Thị Nguyệt, thành viên trong tổ hợp tác chia sẻ, sau cú sốc giá lợn hơi, gặp ai ông Chiến cũng thấy như mình là người có lỗi. Nhưng bà con trong tổ hợp tác không ai trách ông cả. Chúng tôi cũng động viên nhau, động viên ông, đây là tình trạng chung của cả nước, không riêng gì của người chăn nuôi Hùng Mỹ.
Anh Ma Công Minh giờ đi lái máy cuốc thuê cho các công trình ngoài huyện thi thoảng vẫn gọi điện về động viên ông chóng khỏe, tìm cách làm giàu khác bền hơn, chắc hơn để anh về quê tiếp tục ước mơ khởi nghiệp!
Truyền lửa
Cú sốc giá lợn không quật ngã được người cựu binh đã kinh qua xương máu chiến trường. Khi gượng dậy được, nhìn hệ thống chuồng trại bỏ hoang, ông Chiến lên UBND xã tìm kiếm thông tin về các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con. Khi nghe thông tin về dự án chăn nuôi trâu vỗ béo do Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện tại xã, ông đứng ra vận động các thành viên trong tổ hợp tác thực hiện.
Anh Ma Đình Sắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ chia sẻ, lợi thế của các thành viên trong tổ hợp tác là hệ thống chuồng trại sẵn có, chỉ cần cải tạo lại một chút là có thể “biến” từ chuồng chăn nuôi lợn thành chuồng nuôi nhốt trâu bò. Từ trước đó, ông Chiến đã vận động bà con trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ, tìm hiểu thông tin về chăn nuôi trâu bò vỗ béo để sẵn sàng bước vào cuộc chinh phục mới. Lần này, khi chắc chắn việc chăn nuôi có đầu ra ổn định, Hợp tác xã cũng đến làm việc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ chăn nuôi, ông mới yên tâm.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra đàn trâu giao cho tổ hợp tác.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, thôn Mũ, thành viên trong tổ hợp tác bảo, chuyện chăn nuôi trâu bò với bà con không còn xa lạ nữa, nhưng trước đây chỉ chăn nuôi trâu để lấy sức kéo thôi, sau này có máy cày máy bừa thì chuyển sang chăn nuôi trâu sinh sản. Nhưng vốn liếng bà con ít, mỗi nhà cũng chỉ nuôi vài ba con, một năm nhiều lắm cũng chỉ bán được 2 con nghé. Giờ chăn nuôi theo mô hình vỗ béo, sau 3 tháng hợp tác xã đến thu mua 1 lần như này, bà con cũng yên tâm hơn.
Trong ngày giao nhận trâu cuối tháng 12-2017, tổ hợp tác của ông Chiến được giao 15 con trâu, 5 con bò. Ông tất bật chạy qua chạy lại, vừa kiểm tra trâu, vừa nhận thức ăn, vừa làm việc với Hợp tác xã về thời gian, cách thức thu mua sau khi hoàn thành hợp đồng... Ông bảo, giờ mình 68 tuổi rồi, không còn nhiều sức khỏe nữa, cứ giúp gì được cho bà con thì mình cố làm thôi.
Ông Chiến bảo cuộc đời mình vốn nhiều thăng trầm. Khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, ông bị nhiễm chất độc da cam, và di chứng để lại nặng nề khi 3 người con trai đều bị di chứng từ ông. 2 người con trai đầu lần lượt qua đời từ khi còn rất nhỏ, người con trai sau tưởng đâu may mắn hơn khi lấy được vợ, sinh được con thì cách đây hơn 1 năm, chân tay anh dần teo lại, mất cảm giác, mọi sinh hoạt đều phải trông nhờ vợ con.
Dù đã được tôi luyện qua nhiều đắng cay khổ cực, nhưng sau 2 lần “đầu bạc tiễn đầu xanh”, giờ lại chứng kiến thêm cậu con trai bị di chứng từ mình, ông không giấu được nỗi xót xa. Ông bảo, nếu nhận được, ông xin nhận hết thiệt thòi cho các con, để chúng có thêm thời gian nuôi dạy và chứng kiến con cái của chúng lớn khôn, trưởng thành... Nhưng vì số phận không thay đổi được, nên ông vẫn gắng gượng, làm việc có ích để bù đắp thêm cho các con, cho chính mình mỗi ngày.
Ít ai biết, lão nông Đào Xuân Chiến cũng chính là người từng cải tiến thành công máy cắt cỏ thành máy gặt lúa từ năm 2014. Theo đó, ông mày mò, thay đổi và cải tiến bánh răng, lồng gặt và nâng cần cầm tay, chiếc máy cắt cỏ đã được cải tiến làm máy gặt lúa. Theo tính toán, bình quân với 1.000 m2 ruộng nếu gặt thủ công đòi hỏi phải có 8 người gặt trong một buổi sáng, với số tiền công khoảng 480 nghìn đồng. Nhưng cũng với diện tích đó sử dụng máy gặt thì chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ, một người đã có thể thu hoạch xong toàn bộ diện tích, hết chưa đầy 1 lít xăng, tính cả công lao động trị giá khoảng 130 nghìn đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Ma Đình Sắc tự hào, giờ chiếc máy này vẫn được người dân trong xã và các xã lân cận sử dụng, góp phần đưa hệ số sử dụng đất của cả xã lên 2,8 lần.
Gửi phản hồi