Cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội xã Hùng Mỹ giúp nhân dân thôn Cao Bình trồng cây dược liệu cà gai leo. |
Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, huyện đã đầu tư 4 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, với hơn 400 hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi; hỗ trợ 2,1 ha đất sản xuất cho 61 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 628 hộ để mua téc chứa nước, xây dựng bể chứa nước... Tổng kinh phí thực hiện trên 1,3 tỷ đồng.
Đồng chí Ma Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Xã có gần 90% đồng bào là DTTS. Thực hiện chương trình 135, xã đã tập trung xây dựng các hạng mục như trường tiểu học, duy tu bảo dưỡng đường, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây kè bờ suối, cầu tràn, hỗ trợ trâu cái sinh sản, hỗ trợ mua máy làm đất, máy cắt cỏ, máy nghiền thức ăn... Từ các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc. Hiện nay, 100% đường trục xã đã nhựa hóa, bê tông hóa, hơn 50% đường đến các thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Cao Bình là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hùng Mỹ. Thôn có 75 hộ, 100% đồng bào dân tộc thiểu số. 3 năm trước, thôn được ví như “ốc đảo” với “4 không” không điện, không đường, không nhà văn hóa, không chợ. Trong 2 năm (2017, 2018) từ nguồn vốn Chương trình 135, Cao Bình được đầu tư điện lưới, bê tông đường giao thông, làm nhà văn hóa. Trong phát triển kinh tế, người dân được hỗ trợ về giống, về kỹ thuật... Các chương trình hỗ trợ đã giúp đồng bào thôn Cao Bình nâng cao đời sống. Hiện nay, kinh tế chủ lực của người dân ở đây là cây mía, cây lạc, chăn nuôi. Đây chính là “vựa” mía lớn nhất của xã. Thời điểm cao nhất, thôn có 50 ha mía, đến nay thôn còn hơn 30 ha mía. Ngoài trồng mía, bà con nhân dân trồng 30 ha lạc và chăn nuôi hơn 100 con trâu sinh sản... Anh Lý Tiến Thắng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Bình chia sẻ: Từ ngày có điện, mọi sinh hoạt của bà con thuận tiện, được sử dụng tivi, máy xát gạo, máy bơm nước, máy nghiền phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Đặc biệt từ khi đường được bê tông hóa, sản phẩm của bà con làm ra đều được thương lái đến tận nơi mua, sản phẩm không bị ép giá.
Chúng tôi đến đúng dịp thôn Cao Bình đón gần 100 cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã đến giúp đỡ 3 hộ dân trồng cây dược liệu cà gai leo. Dự án trồng cây dược liệu cà gai leo thuộc Chương trình 135 hỗ trợ thôn đặc biệt khó khăn. Hiện thôn đã có 19 hộ đăng ký tham gia, với tổng diện tích là 2 ha. Đây là hướng đi mới và là cây xóa nghèo đối với nhân dân Cao Bình. Anh La Văn Du là 1 trong 3 hộ được hỗ trợ trồng cây dược liệu phấn khởi nói: “Tôi rất vui mừng khi được đoàn cán bộ xã, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội xã đến giúp đỡ gia đình chúng tôi. Sự quan tâm của chính quyền địa phương là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với đồng bào vùng cao chúng tôi”.
Có thể khẳng định, các chương trình, chính sách dân tộc được đầu tư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, trở thành điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những công trình điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi... đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Chiêm Hóa. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 36%, nay giảm xuống còn 21,12%.
Gửi phản hồi