Chuyện từ những mô hình tự quản
Chiều 25 hàng tháng, các thành viên tổ tự quản làng Hun, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ không ai bảo ai, người cầm chổi, người cầm cuốc tham gia vệ sinh đường làng. Việc này đã trở thành nếp từ năm 2019. Chị Lý Thị Xuân, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đóng cho biết, tổ tự quản vệ sinh môi trường Làng Hun thành lập năm 2019. Ban đầu vận động các thành viên vệ sinh đường làng khá khó khăn, nhà nào cũng bảo bận lắm. Cán bộ thôn vừa kiên trì vận động, vừa nêu gương làm trước. Dần dần mọi người thấy được lợi ích thiết thực từ cảnh quan môi trường sạch đẹp đã tích cực hưởng ứng. Môi trường trong lành hơn, hạn chế bụi bặm.
Nhân dân đổi rác thải lấy cây xanh do Huyện đoàn Chiêm Hóa tổ chức.
Chị La Thị Thoa, tổ trưởng tổ tự quản bảo vệ môi trường thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh cho biết, hàng tháng, tổ tự quản phối hợp với Ủy ban MTTQ xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do rác thải trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt gây ra. Các gia đình đã có ý thức phân loại rác thải làm 2 loại, rác hữu cơ và rác vô cơ. Đối với rác hữu cơ, các hộ gia đình tận dụng ủ men vi sinh làm phân bón; đối với rác vô cơ sẽ thu gom làm gạch sinh thái tận dụng xây bồn hoa tùy theo sự sáng tạo của mỗi khu dân cư.
Cũng giống như thôn Đồng Hương, tổ tự quản thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh đã vận động nhân dân nâng cao ý thức công tác bảo vệ môi trường, như hạn chế sử dụng đồ nhựa trong gia đình, trồng cây xanh đường làng, ngõ xóm. Thôn chú trọng vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thuốc trừ cỏ, hạn chế mức thấp nhất thuốc hóa học trong sản xuất; thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định. Ông Hà Xuân Trường, Trưởng thôn Phúc Tâm đã phát triển mô hình vườn cây ăn quả theo hướng an toàn sinh học. Để giảm thiểu việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu cho vườn cam Vinh và bưởi, ông Trường sử dụng túi bọc quả bưởi, đồng thời tự ủ phân hữu cơ bón cây. Ngoài thực hiện trong gia đình, với vai trò là Trưởng thôn, ông Trường đã vận động nhiều hộ dân trong thôn ủ phân hữu cơ bón cây trồng.
Đến nay, huyện Chiêm Hóa đã thành lập 274 mô hình tự quản vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác, chống rác thải nhựa. Thông qua các tổ tự quản, người dân đã ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước loại bỏ rác thải nhựa trong gia đình. Một số thôn, tổ dân phố đã tổ chức thu gom rác thải, vận chuyển đúng nơi quy định. Đối với các thôn chưa tổ chức thu gom, đều có hố rác riêng, thực hiện phân loại rác tại nhà.
Thêm những cánh rừng xanh
Đến với Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ ai cũng cảm thấy thích thú bởi khí hậu trong lành, với bạt ngàn rừng xanh. Chỉ tay về các vạt rừng keo, Trưởng thôn Lý Tờ Lùng cười nói: “Ở đây mùa hè mát lắm! Không khí trong lành, quanh năm không cần dùng đến quạt”. 10 năm về trước, nhân dân Khuôn Thẳm sống dựa bằng khai thác gỗ rừng và lúa, ngô, sắn trồng cấy trên đồi cao. Do địa hình đồi dốc, thường xuyên bị lũ mất mùa. Mùa giáp hạt, quá nửa số hộ dân trong thôn bị thiếu gạo. Vài năm trở lại đây, bà con Khuôn Thẳm thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ. Những cánh rừng keo, rừng mỡ mọc lên ngày một nhiều, nhà ít cũng 2 - 3 ha, nhiều trên 10 ha, phủ xanh toàn bộ đất trống đồi trọc trong bản. Từ đó, bà con vừa no cái bụng, thôn cũng không còn lo lũ, sạt lở đất đồi.
Năm 2020, xã Kiên Đài trồng mới 33 ha rừng, nâng tổng số rừng trồng của xã lên trên 400 ha. Anh Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, Kiên Đài có địa hình đồi dốc, chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp ít, manh mún. Công tác vận động nhân dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc rất quan trọng. Quan điểm của xã, đồi nào trống phải phủ cây xanh ngay, vừa giúp người dân nâng cao đời sống, vừa chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, 100% diện tích đất đồi trong xã đều được phủ xanh bằng các loại cây keo, mỡ, xoan, bồ đề...
Có thể nói, lợi ích từ rừng mang lại đã nối tiếp những cánh rừng xanh ở khắp các làng quê. Đến nay, huyện Chiêm Hóa có tổng diện tích rừng trồng đạt trên 37.000 ha. Riêng năm 2020, toàn huyện đã trồng trên 1.900 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%.
Gửi phản hồi