Xổ số trực tuyến kiên giang - Nền tảng xổ số trực tuyến uy tín

Đánh thức Cao Bình

Khi nhắc đến thôn Cao Bình, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tưởng tượng của bất kỳ ai đều là chốn “thâm sơn cùng cốc”, cùng nhiều cái không: không đường, không điện, không sóng điện thoại... Thế nhưng, đó chỉ là chuyện của 10 năm về trước. Giờ, Cao Bình đường bê tông đến tận cổng nhà dân, điện lưới tỏa sáng khắp bản. Người dân Cao Bình hiện không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, tới đây, họ còn học làm du lịch, nâng cao thu nhập, sớm đuổi cái nghèo.

Con đường xóa nghèo

Cao Bình không phải thôn xa nhất, nhưng lại là thôn cao nhất của xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). Muốn lên được Cao Bình, phải ngược con dốc vắt qua đỉnh núi Tham Và rồi mới xuống thôn. Còn nhớ cách đây chừng 5 năm, đường lên Cao Bình rất khó, chỉ toàn đất, đá chen nhau đắp lên con dốc ngoằn ngoèo bám sườn núi. Ngày ấy, muốn đến được thôn, phải chạy xe số mới bò dốc lên được. Những hôm trời mưa, chỉ còn cách duy nhất là cuốc bộ vượt núi. Bây giờ, đường bê tông trải dài lên đến thôn, ô tô, xe máy lên được cổng nhà dân.

Thôn Cao Bình có hơn 70 hộ đồng bào Tày, Dao, với hơn 300 nhân khẩu. Dù cuộc sống ở thôn đặc biệt khó khăn còn nhiều gian nan, vất vả, vậy nhưng vài năm trở lại đây, từ sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực vươn lên của bà con, đổi thay đã dần đến với rẻo cao này.

Bà con thôn Cao Bình được tập huấn tổ chức và hoạt động đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch.

Đồng chí Lý Tiến Thắng, Bí thư Chi bộ Cao Bình phấn khởi nói, đổi thay lớn, được xem như “kỳ tích” ở Cao Bình là con đường bê tông thênh thang ngược núi. Năm 2018 - 2019, con đường bê tông dài gần 5 km hoàn thành đánh dấu một bước ngoặt mới của bản làng. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong thôn đã đồng lòng, đoàn kết hiến đất, góp công, góp của bê tông hóa các tuyến đường nội thôn, ngõ xóm. Trong 2 năm (2021 - 2022), bà con trong thôn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến hàng chục nghìn mét đất vườn, đất ruộng để bê tông hóa 3,5 km đường bê tông trong thôn.

Giờ lên Cao Bình, đường bê tông đến cổng từng nhà dân, điện lưới chiếu sáng cả bản, nhà văn hóa, điểm trường mầm non, tiểu học xây dựng khang trang. Bí thư Chi bộ Lý Tiến Thắng chia sẻ, từ khi có tuyến đường bê tông vào thôn, bà con yên tâm đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn sản xuất cây lạc tập trung; chăn nuôi lợn đen, trâu bò sinh sản; nhiều loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất như ngô sinh khối, hồng giòn, tre bát độ… Số hộ nghèo giảm theo từng năm.

  Cao Bình phát triển vùng nguyên liệu mía.

Đón niềm vui lớn

Nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Cao Bình được ví như Sa pa thu nhỏ giữa đại ngàn, với những đồi sim tím, đào cổ, hang động đẹp. Với lợi thế về cảnh quan núi rừng tự nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương đang từng bước tạo điều kiện để các hộ dân trong thôn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Ma Đình Sắc vui vẻ giới thiệu: Cao Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi, như khí hậu mát mẻ, rừng núi hoang sơ, kỳ vĩ, đặc biệt là hang động đẹp, trong đó không thể không nhắc đến hang Nặm Bún. Từ bản làng người Tày, Dao thôn Cao Bình vào hang Nặm Bún khoảng chừng 10 phút đi xe máy.

Hang có chiều sâu khoảng 500 m, chia thành 3 tầng. Trong hang có hệ thống nước chảy quanh năm. Đi xuôi theo nguồn nước chảy từ trong hang ra khoảng 2 km sẽ có một thác nước nhiều tầng... Ngoài ra, trong thôn còn giữ được rất nhiều cây dược liệu quý hiếm, như: sâm cau, nấm ngọc cẩu, khôi nhung, giảo cổ lam, sơn thục... thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.

Cao Bình phát triển cây sim phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.

Ngày chúng tôi đến, thôn Cao Bình đang huy động nhân dân phát cỏ, dọn đường xuống hang. Người nào người nấy mồ hôi đẫm áo, nhưng nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi. Chỉ tay về phía vườn sim của gia đình, anh La Văn Chi, Trưởng thôn Cao Bình chia sẻ: “Tháng 12 này, bà con Cao Bình đón niềm vui lớn, đó là hang Nặm Bún được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trong thôn thời gian tới, Cao Bình đã tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, khôi phục các loại cây, con bản địa phục vụ du khách như cây đào ta, hoa sim, lợn đen, gà ta... Hiện, thôn Cao Bình đã phát triển được hơn 2 ha cây sim, dự kiến sẽ nở hoa trong mùa hè tới. Bên cạnh đó, thôn cũng vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đến nay, thôn đã thành lập được Câu lạc bộ hát Then, đàn tính và tổ chức 1 lớp tập huấn, hướng dẫn tổ chức và hoạt động đội văn nghệ thôn.

Cùng những ưu đãi của thiên nhiên và sự đổi mới trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, sự khát khao vươn lên vì một cuộc sống ấm no của người dân, một nhịp sống mới ở Cao Bình đang được “đánh thức”. Tin rằng, trong tương lai gần Cao Bình sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục