Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000 đến 10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhiều ngành nghề đã thu hút được học viên, ra trường có tỷ lệ xin được việc cao, như: vận hành máy thi công nền, công nghệ ô tô, tiện công nghiệp, xây dựng...
Đào tạo ngành công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang không chỉ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo mà từ khâu tuyển sinh đến tăng cường các hoạt động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đều đã được quan tâm. Thông qua đó vừa giúp học viên, sinh viên nhà trường có nơi thực tập thực tế đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đánh giá, tiếp nhận học viên sau khi đào tạo. Chính vì đào tạo từ nhu cầu thực tế, nhiều ngành nghề đào tạo của nhà trường hiện nay đã thu hút được người học, luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Nhữ Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, nhờ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng, tỷ lệ học viên, sinh viên ra trường có việc làm ngày càng tăng, đạt hơn 85%. Mức thu nhập của học viên, sinh viên sau khi ra trường làm việc tại tỉnh đạt trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, làm việc ngoài tỉnh đạt từ 7 đến 12 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tuyển sinh hơn 8.000 học viên sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên, gần 800 học sinh, sinh viên các lớp trung cấp và cao đẳng nghề. Nhiều ngành nghề đào tạo luôn thu hút được đông học viên theo học như: Công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền...
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu người học, nhu cầu của xã hội hoặc gắn vào các ngành nghề có thể phát triển tại địa phương. Ông Hà Văn Lại, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cho biết, Trung tâm vừa mở 2 lớp dạy nghề ngắn ngày và tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các học viên thuộc các xã Hồng Thái và Thanh Tương nhằm thúc đẩy người dân phát triển, nâng cao các dịch vụ du lịch là một trong những thế mạnh của địa phương.
Dạy nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa.
Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Anh Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã tham gia lớp học nghề vận hành máy thi công nền tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa. Sau khi ra trường, anh xin làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Phòng với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Anh Linh bảo, nghề nghiệp giống như chiếc cần câu của mình. Tuy nhiên trước khi lựa chọn đi học nghề thì mình phải tìm hiểu thực tế nhu cầu xã hội hiện nay, cái gì đang cần thì mình học, chính vì thế vừa giúp tiết kiệm thời gian và phát huy hiệu quả ngành nghề đã học, tránh lãng phí.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 10-2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 6.962 người, đạt 87% kế hoạch, trong đó trình độ đại học 110 người, trung cấp 971 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.881 người. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Nhờ đó từng bước nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn để có sự lựa chọn phù hợp, đúng với nhu cầu xã hội đang cần...
Gửi phản hồi