Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 200 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 42 HTX hoạt động khá, tốt; 116 hoạt động trung bình và yếu; một số HTX còn chưa đủ điều kiện đánh giá xếp loại. Trong tổng số 939 cán bộ quản lý HTX, có 473 cán bộ có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên, còn lại chỉ qua lớp tập huấn bồi dưỡng, thậm chí một số cán bộ chưa qua đào tạo, một số cán bộ HTX đã cao tuổi khó có thể đảm đương được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Văn Tược, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Cấp Tiến (Sơn Dương) năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn phải lăn lộn mọi việc của HTX. Ông Tược chia sẻ, không chỉ ông, 3 cán bộ của Ban Giám đốc HTX cũng đều chạm ngưỡng 60 tuổi. Tuổi cao nên nhiều việc cũng chậm hơn lớp trẻ, đặc biệt là việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng ngành nghề kinh doanh. Vì lẽ đó HTX chỉ tập trung vào làm dịch vụ thủy lợi phí, cung ứng giống, vật tư…
Ông Đào Hồng Chiến, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Xuân Vân (Yên Sơn)
kiểm tra vườn bưởi của thành viên hợp tác xã tại thôn Đô Thượng 4.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thái Bình (Yên Sơn) Nguyễn Văn Đạo cũng đã 64 tuổi. Theo ông Đạo, một phần xã viên tín nhiệm bầu nhưng một phần cũng vì thiếu người nên ông phải cố làm. Ông Đạo cho rằng, cán bộ già như ông có thuận lợi là được rèn luyện, dày dặn kinh nghiệm nhưng hạn chế lớn nhất là sự năng động và đón đầu công nghiệp 4.0 như hiện nay là điều bất lợi.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa phần cán bộ quản lý HTX có độ tuổi trung bình cao, từ 45 tuổi trở lên. Đội ngũ cán bộ đã cao tuổi phần nào gặp khó trong việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật mới, hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt khi nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang phát triển khá mạnh như hiện nay.
Thực hiện Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp, Sở đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra không chỉ để giải quyết vấn đề việc làm, tạo thu nhập cho một số thanh niên mà là dịp để các cán bộ trẻ có trình độ đại học vận dụng kiến thức đã học để khởi nghiệp ngay tại quê hương. Qua đó tạo môi trường làm việc mới, nhân lên niềm tin khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Thực tế tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền đã mạnh dạn đưa cán bộ trẻ có trình độ năng lực vào làm việc tại các HTX nông nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Xuân Vân (Yên Sơn) với 2 cán bộ trẻ đảm nhận chức vụ giám đốc, phó giám đốc đã và đang tạo sinh khí mới cho HTX. Ngoài việc duy trì các ngành nghề dịch vụ truyền thống là cung ứng vật tư nông nghiệp, thủy lợi phí, đội ngũ cán bộ này còn mạnh dạn xây dựng phát triển vùng sản xuất hồng ngâm đặc sản, bưởi Soi Hà… Các sản phẩm hiện đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kết nối tiêu thụ, qua đó tăng thu nhập cho các thành viên và người dân trong xã.
Việc tăng cường cán bộ trẻ về các HTX nông nghiệp là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển, tạo diện mạo mới cho các HTX. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp là 36 tháng có thể chưa đủ để thực hiện 1 dự án dài hơi, đồng thời, hết thời gian hỗ trợ của nhà nước, liệu các HTX có đủ khả năng trả lương bằng với mức hỗ trợ để giữ cán bộ ở lại không? Do vậy, ngoài việc quan tâm hỗ trợ của nhà nước, các HTX phải vươn lên trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế mới thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng và có “đất” để những cán bộ tăng cường phô diễn năng lực, trình độ của mình.
Gửi phản hồi